Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Tình Tang Ơi Đời Người

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Gio
HS SaoMai


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 326

Bài gửiGửi: Tư 2 08, 2012 5:59 am    Tiêu đề: Tình Tang Ơi Đời Người Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

TÌNH TANG ƠI ĐỜI NGƯỜI

Đời Người Vốn Vắn

Đời sống dẫu thanh nhàn hay vất vả, thì cũng tới một lúc nào đó các bác phải nghĩ đến chuyện lúc nghỉ ngơi hưởng già.

Bên Úc chính sách hồi hưu, trước kia vào năm 55 tuổi. Mấy năm nay đổi lại là 60 tuổi. Một số lớn cho rằng tuổi 55 nghỉ hưu thì sớm quá, không thực tế, nhưng mấy người thủ cựu thì lại nói nghỉ ngơi sớm để 10 năm còn lại, còn chiêm nghiệm với đời sống.

Rồi bình sanh thích cái gì, bấy giờ lấy thì giờ đó để làm. Chứ cả đời làm việc, hồi hưu trễ quá rồi phần còn lại của đời sống chỉ còn có chống chỏi lại bịnh hoạn thì còn gì nữa mà thú vị với cuộc đời? Vả lại lúc đó thưởng thức cái gì nữa bây giờ.

Người ta nghiên cứu ở tuổi trung tuần (middle crisis) tức là khoảng 45, 50 ở con người đàn ông, khi mà chất nam dần dần thoái hoá thì ai cũng thường trải qua thời kỳ khó ăn, khó ở. Cái mày cau lại, cái mặt soi trong gương nhìn thấy chính mình cũng không ưa được nữa. Đùng một cái: có người gọi mình là bác xưng là cháu hoặc cái bụng tự dưng nở nang ra đằng trước rồi phị xuống, có người thì rõ ràng hơn hôm nào trời nắng trời mưa cơ thể đều báo cho biết trước. Đó chính là dấu hiệu chính xác của tuổi về già.

Có một nhà thơ nói, nửa đùa nửa thật sưả lại bốn câu hết đời người là:

Nhị thập chưa biết gì,
Tam thập lập nhi,
Tứ thập mần gì mần gấp, kẻo
Ngũ thập run lập cập.

Thế mới biết năm tháng trôi nhanh lắm, thoắt đó đã hết đời người. Thế đời bạn, bạn đã từng thích làm gì? liệu làm gấp. Có người cả đời đàng hoàng đứng đắn, khi về già chợt thấy đời mình không có gì gọi là phong lưu cả, thế rồi đâm ra thích có hầu non, có người thì mơ có lúc ngồi viết lách dịch thuật, có người thích thành journalist dong ruổi sông hồ với cái máy hình, có người thích trồng trọt. Nào hôm nay, mình coi từng vấn đề một xem mình thích gì, để rồi chuẩn bị để làm gì làm gấp kẻo run lập cập.

Thích hầu non

Với người mình thì hễ vận hạnh không xuông xẻ nữa thì thối lui về vườn nơi ít bạn bè. Nói theo kiểu người miền Nam là “thôi đó, đủ dzồi, mình dzìa làm vườn”. Tuy không phải chuyện làm giường, làm chiếu nhưng vì mấy ông già miền Nam, càng về già lại càng khoái nói khe nói khé, nói theo kiểu tréo qua tréo lại nên hôm nay mình khởi đầu thú vui có hầu non.

Trong lịch sử có cụ Binh Bộ Thượng Thư Triều Đình Nguyễn Công Trứ, khi thôi việc nhà xong việc nước, thì cùng với nàng hầu non đôi mươi mà lên chiếc xe bò cọc cạch nghêu ngao bốn bể. Phải nói là cái ông này quỷ thật, 73 tuổi còn cưới vợ.

Tân hôn, giai nhân dục vấn tân lang kỷ
Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam.

Diễn nôm na ra là: Đêm tân hôn, nàng ỏng ẹo hỏi chàng: “chẳng hay chớ! anh Hai năm nay bao nhiu tủi?” Chàng khì khì cười, nhẹ nhàng kéo nàng xít xít lại gần hơn, thơm lên má non mà nói: ‘”Nói thiệt em Ba nó ui! anh mưới có hai mươi ba hà, mà hồi 50 năm về trước lựng”.

Nhắc lại chuyện người xưa đú đởn chơi, chứ mình cũng làm lạ chắc đời đó có nhiều sâm nên mấy ông già gân thế. Cứ tưởng tượng, nàng thì trẻ, chàng thì già hết gân. Chẳng lẽ đi “dza dzéo” một cái, đi “dzào dzờ” một chút. Làm riết cô đào tơ thế nào cũng không chịu nổi rồi gạu. Thôi nghen, mần thì mần, không mần thì thôi để người ta nghỉ. Nhéo toàn chỗ ác ôn không, nhéo goài đau thấy mồ nội!

Không biết người xưa nghĩ ra sao mà thường thích đào non. Có ông nói là đào non, đào nhí làm mình trường sanh bất lão, có ông nói là đào non làm mình vui vẻ kéo dài tuổi xuân. Ông nào cũng đú đởn cả. Nói đến đây lại phải nhắc tới ông Binh bộ Thượng Thư:

Ngày xưa Lựu muốn lấy ông,
ông chê Lựu bé Lựu không biết gì.
Bây giờ Lựu đã đến thì,
ông đòi lấy Lựu, Lựu chê ông già.
Ông già ông khác người ta,
cái ma cái mãnh ông ma bằng mười.

Chắc vì vậy, cho nên các ông càng lão càng thích “tình bằng có cái trống con, khen ai khéo vỗ ố, mấy bông mà nên bông” . Ấy thì ra, các ông nói phải chơi trõng bõi , ‘chơi nhanh kẻo hết xuân thì’ là thế.

Nói vậy, cũng chưa chắc mình phân tích đúng vì còn tuỳ người tùy hoàn cảnh. Nếu ở một ông cả đời cặm cụi với computer thì ông ta sẽ lý luận là sao ông này dở thế, hầu non thì cứ như cái computer. Cái này là boot disk còn con vợ già là hard disk, ông mà không có risk control không có đít thủ back up thì chết đi là vừa.

Có người lại suy ngẫm rằng vướng vào đào non, thì cứ như mang thêm nghiệp. Cái nghiệp khổ, mang về mà đẻ ra vài em bé nữa để nuôi thì thể nào cũng phải kỳ cạch cả 15 năm đến 20 năm nữa.

Nào cứ nghĩ kỹ đi, mỗi đêm cứ 3 lần thay tã là 3 lần ôm cái cục nợ sũng nước. Ba lần một ngày, một lần trước khi đi ngủ, một lần thức dậy nửa đêm, một lần gần sáng. Thay tã rồi phải đi lên rung rung, nhún lên nhún xuống, đi tới đi lui. Nửa đêm, già khú đế rồi mà vẫn phải hát ru con:

Con cò con vạc a à, con công, sao mày gánh lúa..ơ ơ nhà ông hỡi ơơ cò.
Cái bống mày ngủ a à, cho nhanh,

ah ah! tiên sư ! không ngủ ông vứt bố mày xuống bây giờ.

Thấy chưa, nghe qua đã thấy khổ đời rồi !

Đó chỉ là một trong ngàn vấn đề chưa kể ra thôi. Lớn lên nó lại nói là con giống cha nhà có phúc, vợ con nhăng nhít. Cháu vợ này, chít vợ kia, cãi cọ nhau mang đến phân giải nữa thì khổ dài dài. Đừng ngu gì mà vướng vào, vướng ra rồi oan oan tương báo.

Không đẻ không đái, không lái chỉ rờ, thì cứ như có cái xe hơi hiệu Ferrari, hay Porsche mà để trong garage, nội giữ gìn để ăn trộm khỏi nhòm ngó đã tổn thọ rồi nói chi đến lau chùi, đánh bóng để ngắm nghía. Nàng đẹp quá, như bông như bưởi mà hổng lái không cỡi, sở hữu chủ làm chi vào cho khổ cái thân. Rồi thời nay, đâu phải như thời kia mà năm thê bảy thiếp. Nuôi một mụ vợ cũng đủ sặc xừ rồi ham chi đến hai, thế cho nên cái thú hú hí hầu non coi bộ không thích hợp vào thời buổi này nữa, vả lại chẳng may mà tai tiếng như Tổng Thống Bill Clinton thì chết!

Có ông nghe đến đây, cười khạch khạch, nói cái nhà anh này, chẳng biết chấm mút gì hết. Thế mà cũng đòi ! Vậy thì xin bác cứ nếm thử. Cái này là mắm tôm, hũ này là mắm tép, lọ kia là mắm bác Vỵ, còn kia íí..à mắm cô… Hường.

Viết lách dịch thuật

Thời trước khi có computer ra đời, viết lách quả là khó khăn. Như Leo Tolstoy, tác giả của những tác phẩm dài vô tận như War and Peace, hoặc Anna Katherina. Ông ta phải làm nhân vật thành hình tượng, mặc quần áo bảnh như thật, rồi để nhân vật này nối kết với nhân vật khác ra sao. Cái khó là cả trăm nhân vật nhưng không có nhân vật nào bị bỏ quên cả. Mỗi một người lại một cá tính khác nhau. Viết hết trang này sang trang khác, người vợ tâm sự rằng biết rằng đánh máy cho ông ngày hôm nay thì ngày mai ông lại đổi, vậy mà vẫn phải ngồi đánh máy cho ông. Đến hồi phải than lên, trời ơi sao có người kiên nhẫn đến thế. Đó là ruộng vườn sản nghiệp của ông nhiều. Chỉ riêng mật ong nuôi của gia đình, cũng đủ cho ông sống một cách trưởng giả rồi. Cho nên có cuộc sống đủ mức thu nhập để ngồi viết lách thì đó là một cái thú trời cho, chứ không phải dễ.

Thời nay, cái computer và word processing làm cho công việc viết lách dễ dàng hơn.
Sửa đi, viết lại dễ dàng. Không phải mảnh giấy đầu này, tờ giấy túi quần kia. Và, không dễ gì mất bản thảo. Vừa đi làm, tối về viết lách như thú vui cũng được. Sau này biết đâu cái hard disk mang bán đấu giá cũng có kẻ có tiền tranh nhau mua.

Bên Tây phương, trong một thư viện trung bình của mỗi tiểu bang, hay của mỗi trường đại học. Cứ một đề tài lại có cả hàng chục tác giả viết về vấn đề đó, dưới nhiều khía cạnh đặc biệt khác nhau. Thí dụ Pascal language hay Electronic circuits theory, bạn thử vào tìm thử, sẽ thấy nhiều vô cùng trong khi đó, trong thư viện nước mình thì vẫn không có bao nhiêu sách cả. Cái thú viết sách làm lợi cho dân tộc cũng nên đưa ra cho mọi người suy ngẫm. Tuy cả một hai triệu người Việt đang ở hải ngoại nhưng những người có khả năng truyền đạt tư tưởng kỹ thuật được cả hai ngôn ngữ phải nói cực kỳ hiếm hoi.

Nếu phân tích ra, mình có thể thấy có ba lớp người đi được qua bến bờ tự do lập nghiệp: Lớp tuổi trên 30, Lớp trẻ tuổi sinh trưởng tại nơi cha ông lập nghiệp và lớp tuổi trung niên dưới 30 tuổi.

Lớp lớn tuổi, khoảng trên 30, khi hội nhập với đời sống nơi xã hội mới thường phải chọn con đường buôn bán, làm ở các công xưởng kỹ nghệ. Sau nhiều năm làm việc, chiều về nhà thành thói quen là vật mình ra ngủ, nhậu nhẹt hoặc đàn đúm với bạn bè hát hỏng karaoké cho nên ít ai quay lại trường học để học hỏi kỹ thuật nơi xứ người. Phần đông cho rằng, học làm chi nữa, đâu còn chỗ dụng. Thế nói gì đến việc viết lách. Nói đến mấy ông này, thì chỉ hôm nay, ngày mai quên con bà nó mất. Do đó chỉ xong phải thực tập cho mấy ông ngay.

Lớp nhỏ tuổi sinh ở Việt nam, khi hội nhập với đời sống Tây phương thì ý thức được sống nơi xã hội mới, nên tự trưởng thành vận dụng mọi khả năng giới hạn của gia đình mà chăm chỉ học. Họ học rất giỏi và đã thành công lớn trong môi trường mới nhưng khả năng truyền đạt tư tưởng bằng tiếng mẹ đẻ rất khó khăn hoặc nhiều khi không muốn phát triển hướng đó nữa.

Lớp tuổi trung niên, lập nghiệp vào tuổi chừng 30. Lớp này rất ít, chỉ chừng 5% đã vừa đi làm và đi học để thành công. Những người này thuộc giới có ăn học ở Việt nam, sau này nơi xã hội mới họ cũng vươn lên được. Giới này kể ra rất hiếm nhưng không phải là không có. Nếu bạn ở vào tuổi này, tiếng Anh tiếng Việt đề huề. “English speaking likes F5 bay chíu chíu” thì cũng nên học chút đỉnh computer dùng tiếng Việt, viết lên vài chữ sự tích “Đời anh Lựu.. đạn” cho vui cửa vui nhà, mà lại học hỏi được với nhau.

Người mình vốn trọng bằng cấp, đâu biết rằng: ba bốn môn cho một semester. Tính ra mỗi môn chỉ chừng một tháng vùi đầu vào hơn 12 chapters. Học xong, tuy đậu nhưng môn nào cũng chỉ lèng èng. Môn đậu được cao điểm, ngoại hạng cũng chỉ gọi là hơn căn bản chút đỉnh. Ai dám nói là chỉ trong vòng 1 tháng mà trở nên chuyên gia về môn đó thì rõ là nói khoác hoặc chẳng phải là người đi học lại đâu.

Rồi nếu may mắn có việc làm, mất hút trong đời sống xã hội mới, nếu không đào sâu thêm cái môn mình thích, thì thành ra mai một với thời gian.

Thực sự mà nói, những người này sẽ phải là nồng cốt nếu nói về tài nguyên của Việt Nam. Vì chỉ lớp người tuổi này biết cả hai ngôn ngữ một cách thuần thục và đã có lẫn kinh nghiệm làm việc ở các nước Tây Phương, có thể áp dụng kiến thức thực dụng vào công việc. Thế kỷ 17, các lãnh chúa người Nhật, đã biết mướn người Tây Phương để huấn luyện binh sĩ của họ, dạy nghề cho dân. Mình phải học điều này mà tận dụng tài nguyên.

Nếu bạn tự đánh giá đang nằm trong số người hiếm hoi đó, thì bạn nên vận dụng khả năng ngay đi, nếu cần hãy hợp tác với bạn bè, soạn thảo những bước căn bản, cùng một cách thức để cùng công việc với nhau, và tận dụng kỹ thuật truyền thông nhanh chóng bằng điện tử để trao đổi với nhau. Thế kỷ 21 này là thế kỷ của làm việc trong mạng lưới, không có việc gì lớn mà không phối hợp nhiều người. Cái kỹ thuật, hoặc khéo tay của một cá nhân không thể nào làm việc gì lớn được, phải biết kết hợp với nhau. Khi kết hợp nhau thì đừng có hy vọng là ai cũng đồng ý với mình mà phải chấp nhận giải quyết bằng dân chủ đầu phiếu. Và, cũng đừng có hy vọng là chúng ta mãi mãi làm việc chung với nhau nên phải tiên liệu để các công việc vẫn tiếp tục khi mất đi người cộng sự. Tiên liệu để huấn luyện, soạn thảo thành văn bản căn bản, thành luật của nhóm, rồi từ từ chỉnh hoán lại thành ra văn kiện.

Nếu mình soạn thảo ra một số những quy ước, format rồi khởi hành và từ từ bổ túc thêm những kinh nghiệm, thì mình sẽ tự đào tạo hàng chục các công việc làm việc chung với nhau một cách hữu ích. Mình có thể dịch sách kỹ thuật, nghiên cứu kỹ thuật đóng tàu biển, viết sách nghiên cứu xã hội, khoa học, rồi đến cả tự điển bách khoa cho hàn lâm viện chữ nghĩa cho Việt Nam sau này nữa. Vô số việc cần làm ngay, nếu không thì lớp con cháu sau này của chúng ta sẽ trách là sao chúng ta, chỉ biết cúi đầu làm cho Tây mà không nghĩ truyền bá kiến thức về đến quê nhà.

Thú dong ruổi trên sông hồ

Có một thú mình ít nghe ai nói đến, đó chuyện về già, cùng với bạn bè cùng theo một ghe đi dọc trên sông ở miền Nam ngắm phong cảnh, thăm dân tình và thưởng thức những món ăn tuyệt diệu của sông ngòi.

Miền Nam có nhiều sông rạch, phần nhiều nước phù sa tôm cá nhiều vô số kể. Vào khoảng năm 1977, 78 vẫn còn nhiều. Người ở các miền khác có xuống Cà mau chơi, nhìn thấy con cá lóc bán ở chợ mà giựt mình, cá gì mà to như cá biển, hun đen thùi thụi, giãy một cái thì văng cả nước lên. Hỏi người bán: cá gì nhìn ghê vậy bà? Mấy bà ngó lại cười nói cá lóc ở U minh Thượng mang lên đó. Cá ở rừng chàm nên đen nhánh. Cá lóc làm gì cũng ngon. Kho tiêu, hấp, nấu cháo. Trời, cái món nấu cháo cá, rắc tiêu ngò lên trên tô cháo, bạn chưa ăn chưa phải người trong Nam.

Ếch cũng vậy, to chành dành nhìn mà phát sợ. Có người chơi ngông mang con ếch mới lớn bỏ vào trái dừa nuôi, rồi lâu lâu lại đổi sang trái dừa mới, đến chừng hai mùa thì con ếch lớn ọp ẹp bên trong. Kêu bạn bè lại nhậu. Lấy con dao chặt dừa bổ dọc ra, con ếch rơi ra ngoài sân kêu cái ạch nằm không nhúc nhích nổi, nói chi nhảy. Da ếch trắng như bạch tạng, nhìn phát gớm. Thế rồi chặt cái đầu, làm cái móng, mổ cái ruột, lột cái da mới thấy thịt quen quen. Ăn vào phải nhắm mắt chiêu hớp rượu, mà phải rượu Gò đen thì mới đã. Hỏi, tại sao phải là rượu Gò đen? Trả lời là ai mà biết, thấy mấy ông bợm rượu nói thì thuật lại cho nhau nghe chơi chứ nhà cháu chẳng phải là tay sành rượu.

Họ nói, rượu ngoài Bắc phải uống thử rượu Làng văn (Hà nội), miền Trung thì rượu Bầu đá (Qui nhơn). Mỗi nơi đều có nước và vật liệu làm ăn khớp với nhau. Có người lấy nghề đi sang nơi khác làm cũng không thể nào làm rượu thơm và ngon bằng nơi chánh gốc. Như thế đi trên ghe thả dạo chơi về miền Nam, khi đi ngang Long an thì phải thủ sẵn trên ghe chục lít rượu Gò đen. Hỏi, làm chi mà nhiều dữ thần vậy. Trả lời, rồi để hạ hồi phân giải.

Bạn thử tượng lúc về già, cùng một đám bạn bè thân tình ngày xưa, trên một cái ghe chạy đủng đỉnh từ Sàigòn tới Vàm Láng rồi tới Long An, Cổ cò rồi cứ đi riết tới Bạc Liêu Năm căn, rồi tới Miệt Cùng. Miền Nam trăm ngàn sông rạch. Đi đến đâu mua đồ ăn đến đó, nấu luôn trên ghe. Nửa đêm về sáng, làm tô cháo tôm bằm thịt với tiêu. Điểm tâm bằng cách ghé lại cái chợ cạnh sông, chơi tô hủ tiếu nóng hổi hoặc tiết canh vịt cháo lòng. Trưa ăn cua luộc, nem nướng xơi ốc vạn hoa , uống ba ly xây chừng cho nó dễ tiêu. Tối thưởng thức các món trái cây, rung đùi vỗ muỗi thưởng thức trà tàu Thiết Quan Âm với bạn thân thiết. Như thế mới gọi là thú vị cuộc đời.

Qua vàm láng, tôm cua, đồ biển, đồ vườn không thiếu giống gì nhưng ở đây phải ăn mực nang, đổ rượu vào đĩa nhỏ, bỏ con mực vào rồi châm lửa. Lửa hết cháy thì mang ra ăn, cắn vào miệng ngọt nhừ. Nước phải chảy ra hai bên mép mới thoả. Phải có cái lò gas, để hấp cá. Mua được con cá tươi, để lên hấp. Cái chợ phản ảnh cả cuộc sống con người vùng đó, mình đi một vòng chợ ngó thiên hạ, ngồi ở quán café chuyện trò dân trong vùng cũng là thú vui tuyệt diệu mà thuở xưa Vua Càn Long du giang sơn phía Nam là thế.

Dân Việt mình thực ra có bản chất rất hiếu khách, trong thời gian chiến tranh làm chúng ta có người mất bản chất đó, do đó khi rong ruổi, nên xuề xoà, hoà đồng với dân chúng. Nếu gặp cảnh đáng thương muốn giúp đỡ thì phải giúp cho khéo. Ăn mặc khi đi bôn chải cũng nên sao cho thoải mái. Sợ chói mắt đeo mắt kiếng đen, mang quần jean, áo pullo trắng thì không phải điệu. Có nhiều khi mấy thứ đó không dấu cho kỹ, chỉ tổ chúng đi theo ghe mà ăn cướp. Ghe mang theo một hai cái xe đạp cũng nên lắm. Đi đến đâu, ghi chép chụp hình cẩn thận đến đó, vì có mấy thuở được giang hồ.

Nếu bạn muốn đi theo cùng mà có thêm một người giỏi tay chân, trăm ứng vạn biến và tin cậy được thì cứ hỏi, để tôi chỉ cho một hai AET.

Thú Trồng Trọt

Mấy chú Ba ngày xưa sang nước mình, đâu có vốn liếng gì. Ngàn người khởi đầu trăm việc. Từ ve chai, đấm bóp đến kẹo kéo, quay gà, quay vịt, làm heo. Có chú khởi đầu làm bột trộn đường vo tròn lại như hòn bi ve, chiên mỡ lên thơm phức rồi rao bán:

Cái bi don don, cái bi dòn dòn.
Cái bi dòn dòn, cái bi nhon nhon.

Con nít mê lắm. Ai mua thì lấy tờ giấy báo cắt vuông vức, quấn thành hình phễu, rồi xúc những hột vàng hực vào, bán ở trường học, bán ở các rạp hát. Sau nhiều năm, đổi sang bán kẹo kéo rồi xe đẩy hủ tiếu, bò kho. Sau lại mở cửa tiệm ngay trước rạp hát. Làm ăn khấm khá từ từ lên.

Có chú khởi hành bằng cách lấy vỏ dưa hấu, người ta ăn xong vứt đầy ở chợ. Các chú rửa sạch sẽ gọt lớp vỏ cứng màu xanh thẩm đi, rồi chẻ phần màu trắng ra thành sợi làm gỏi dòn, ăn với nước mắm cay điếc con ráy. Ai muốn thêm thịt bò khô thì thêm vào. Mấy cô mới lớn, nghe nói đã thèm chảy nước miếng. Sau có tiền, đổi nghề này sang nghề lấy tôn gò thùng thiếc. Vừa làm vui vẻ, vừa rao làm người mua phải phì cười mua giúp:

Thao thùng, thao thiếc, thao thùng thao,
thao thùng, thùng thao.
Thùng lủng, thùng bể, thùng chảy,
thao thùng, thùng thao.
Thao thùng thao thiếc thiếc, thao thùng, thùng thao

Ấy thế mới thấy mấy chú hay thiệt, chẳng học đâu cũng đã biết dùng miệng lưỡi, ca nhạc để quảng cáo hàng mình rồi. Tới hồi chuyển đổi làm nghề làm xì dầu.
Giàu xụ! giàu rồi mới tới ăn chơi Nhứt dạ đế vương, cung tần phi nữ chung quanh múa khúc nghê thường.

Họ chơi hụi, hùn hạp nhau làm ăn, cứ lấy chữ tín, thiệt thà làm đầu.
Thoắt chốc chưa đầy 25 năm các chú ba đã nắm toàn quyền về kinh tế nước mình, đến khi tuổi ngoài 55 thì từ trăm nghề khác nhau, các chú lại cùng quay về một nghề, đó là nghề trồng trọt.

Họ bảo nhau xoay sở lấy một mảnh đất để trồng cây ăn trái, hưởng già. Nếu không có biến cố năm 1975, thì phải nói về cuối thời, họ chắp tay sau đít mà vẫn đủng đỉnh thu nhập dễ dàng.

Bắt chước họ, bây giờ nếu mình có mảnh đất xa xa, nơi có xe chạy qua lại. Lựa chỗ đất rẻ rồi làm nhà ươm cây trồng cây ăn trái, tưới nước tự động. Cuối tuần lái xe về xúc ủi, chừng 4 năm cũng thu hoạch được ít nhiều. Dựng cái chòi để trái cây bày theo hình bậc thang, dọc theo đường lộ chính. Trước đó chừng 100 mét, để cái bảng ‘Cheap fruits ahead. Khối người vào cho coi.

Ở nơi tôi ở, trước kia trái Avocado, mình gọi là trái bơ Đà lạt. Cách đây 15, 20 năm giá đắt như vàng nay người ta trồng lên khắp nơi, nhưng bán vẫn có ăn như thường.
Xoài, ổi, măng cụt, và cả mãng cầu nữa, trước kia không có bây giờ tới mùa cũng đã tràn ngập thị trường. Tuy vậy dân số càng ngày càng tăng, đâu có bị mất giá mà sợ.

Có nhiều người về già bắt đầu chơi Bonsai, cây kiểng trồng rồi đăng báo bán. Cái vụ buôn bán này thì nhỏ, không lớn được nhưng cũng có người đã làm thành dịch vụ thương mãi lớn, biến thành công ty đặt cây xanh ở các văn phòng, tự nhiên làm chơi mà giàu như bất ngờ. Công ty khuyến khích mọi người làm cây kiểng rồi bán lại cho họ thành giá sỉ, thêm nghề huấn luyện tỉa cây Bonsai nữa. Đột nhiên, ông già nào cũng có tiền rủng rỉnh.

Đến đây có người cười cười rồi nói còn có một thú vui nữa là nhậu, sao không nói. Thì ra cũng là trồng trọt vậy, trồng cây ngả cây nghiêng mà! Thực vậy, lúc chuyện đời gác một bên, mấy ông thường rủ nhau nhậu xoay vần. Nhưng thiệt ra thú vui này phá sức hơn cả. Chuyện cũ nhớ dai, thù cũ nhớ lâu vì nhắc đi nhắc lại hoài. Càng già trí nhớ, tế bào óc cứ theo đó mà đi không còn được bổ xung lại như hồi còn trẻ, nên chuyện hồi đó thì càng kể, càng recycle càng có nhiều bột ngọt, còn chuyện trước mặt thì cần gì biết nữa.

Lắm người, nhìn mặt một cái là muốn xỉn rồi. Uống nhiều quá, thành ra lè nhè, trong phone cũng thấy lè nhè. Mới đi ngang đã thấy sặc mùi rượu.

Có lắm người thành tật, hễ trước khi nói thì khẩy một cái cùi chỏ, đau điếng rồi nói: Dzô đi chớ, đã hông? Có ông thì cà lăm:Để.. đê..ể tu..i nói. Có ông thì chực sẵn, chỉ đợi hở ra một tiếng là chơi luôn tiếng lái. Lục tiếng lồng, lồng tiếng tục rồi vỗ đùi non ngả ra cười hả hê.

Có ông thì “Nói.. không phải nói chớ ! Cũng có ông hay mở đầu câu chuyện là chữ hiểu hông. Hồi đó, hiểu hông! tui cũng đi học võ, hiểu hông ! Đến đai..ai vàng..ng thì tui nghỉ. Hiể..u hông? Đến đai vàng thì tui mới nghỉ, hiểu hông! Vậy mà đến hồi vợ tui đánh ghen, hiểu hông! nó đục, ông ơi! tui đỡ hổng được cú nào hết trơn.

Trăm người ngàn tật. Khi say, có ông xanh ngắt. Có ông bừng bừng. Có ông nói dai, có ông nói xỏ, có ông nói nhỏ có ông nói xiên. Có ông hay nói chuyện đại sự, lập hội đoàn: Tui nói thiệc đó, hồi đó mà nghe lời tui thì..đâu có chiện xảy ra…

Cứ thế nhậu càng nhiều thì lời càng ra mà lý luận xuôi ngược gì cũng giỏi cả, nhưng giỏi nhất là quanh quẩn cái chày và cái cối:

Vợ mình, con của người ta.
Con mình do vợ đẻ ra,
suy đi tính lại, chẳng có bà con chi.

Lời qua tiếng lại, mang chuyện người ra diễu rồi tới chuyện người trước mặt. Có hôm đã quá chừng, ói mửa ra cả nhà người bạn, chua luôn cả tấm thảm, thiệt tình quên mất mình đang làm gì và đang ở đâu. Tới hồi tuồng gần hạ, ông nào cũng là thầy chạy hết! Hết gan sơ tới cật hỏng.

Nhậu xong, chừng một tuần sau gặp mặt, khen nhà cha này đẹp, chả có cả cầu tiêu trên lầu, thơm phức à ! hôm đó cầu tiêu bên dưới có người, mắc quá tui lên lầu đi đái chứ đâu. Ông chủ nhà nói, à há ! thì ra hôm nay bắt được thằng cha tè vào tủ quần áo tuần trước rồi. Trên lầu nhà tui, làm gì có cầu tiêu!

Bạn nói đó cũng là thú vui về già, sao không kể. Vâng! thì cũng là thú vui đấy. Bạn cũ, người xưa gặp nhau không uống chút đỉnh không vui. Nào mời nâng ly chúc mừng sức khoẻ của bác. Chời! nói chi mà dài quá dzậy, cạng ly cái..i coi.

( ST )



_________________
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ.
Chí anh hùng click chuột định giang sơn.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI