Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Bóng Hồng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Gio
HS SaoMai


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 326

Bài gửiGửi: Tư 10 26, 2011 5:48 am    Tiêu đề: Bóng Hồng Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BÓNG HỒNG

Nói chuyện các bóng hồng, nhân vừa đề cập đến khả năng nói tiếng Pháp rào rào của nguyên đệ nhất bóng hồng Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy, tui xin trình qúy vị chuyện dính dáng đến hai chữ “Madame” và Mademoiselle” trong tiếng Phú Lang Sa.

Bà con ta đều biết là để phân biệt bóng hồng đã có gia đình với bóng hồng chưa lên xe hoa về nắm quyền “điều khiển” đấng lang quân, người Pháp dùng hai chữ “madame” “mademoiselle”, bất kể tuổi tác của “mademoiselle” là bao nhiêu. Thế nhưng, hiện nay hai tổ chức tranh đấu cho chuyện nam nữ bình quyền ở Pháp là “Osez le féminisme” và “Les Chiennes de garde” đã lên tiếng đòi phải quăng “mademoiselle”vào thùng rác, và tất cả các bóng hồng Pháp quốc phải được gọi là “madame”.
Vì sao? Xin thưa: vì một chuyện đã xảy ra tại miền đất hạnh phúc Canada (nói theo kiểu ông nhà văn Trà Lũ) và tại xứ nằm phiá dưới Canada là xứ Cờ Hoa!

Trong thập niên 80, khi danh xưng “Ms”, tức là không phải là “Mrs.” mà cũng chẳng phải là “Miss”, bắt đầu được bà con Ca-na-điên và Mỹ dùng ngày càng nhiều để chỉ một bóng hồng mà không cần biết bóng hồng ấy đã lập gia đình hay chưa, thì một số chị em người Pháp đã nổ lực phát động phong trào dùng chữ “Madelle” đồng nghiã với “Ms” . Tuy nhiên, nổ lực của chị em không đưa đến thành công. Cả “madame” và “mademoiselle” vẫn được tiếp tục sử dụng, vẫn xuất hiện chình ình trên các văn kiện chính thức, ví dụ như đơn xin việc làm!

Nhật báo Le Figaro, phát hành ở Pháp, cho biết là theo chị em phụ nữ ở bên đó thì chữ “mademoiselle” mang tính kỳ thị: tại sao các cậu không bao giờ bi buộc phải tiết lộ đã có “bà sếp” hay chưa (vì trên giấy tờ chỉ thấy danh xưng “monsieur”), nhưng các mợ thì bị buộc phải chọn hoặc “madame” hoặc “mademoiselle”? Việc các mợ đã lập gia đình, hay không thèm lấy chồng vì chẳng muốn đeo gông vào cổ, hoàn toàn là chuyện riêng tư, có đụng chạm đến ai, có chết ông tây nào đâu mà bị buộc phải khai rõ?
Mợ Marie-Noelle Bas, chủ tịch “Les Chiennes de garde” tuyên bố:

- Ngày xưa thì phụ nữ phải ‘tại gia tòng phụ’, rồi đến khi lấy chồng thì phải ‘xuất giá tòng phu’. Tương tự như vậy, ngày xưa khi người đàn bà chưa lâp gia đình thì là ‘mademoiselle’, sau khi đeo gông vào cổ rồi thì là ‘madame’ trong khi đàn ông thì suốt từ lúc lọt lòng cho đến khi xuống lỗ luôn luôn là ‘monsieur’. Vô lý không chịu nổi! So với Đức và Tây Ban Nha thì Pháp chậm tiến rõ rệt vì trong đa số các văn kiện chính thức, người Đức đã bỏ chữ “fraulein” và người Tây Ban Nha đã bỏ chữ “senorita” rồi. Trong “mademoiselle” có chữ “oiselle” vốn là giống cái của chữ “oiseau”, và trong tiếng Pháp cổ thì “oiselle” có nghiã là “trinh nữ” nhằm ý nói là phụ nữ này cần lập gia đình! Đây thật là một điều ngu xuẩn, nó ngầm cổ võ cho tình trạng bất bình đẳng giữa nam nữ ở Pháp!

Tuy hai tổ chức phụ nữ “Osez le féminisme” và “Les Chiennes de garde” đang mạnh mẽ đòi hỏi loại bỏ chữ “mademoiselle” mang đầy tính kỳ thị, nhưng người ta nghĩ rằng cũng còn lâu lắm ý muốn của tập thể bóng hồng Pháp quốc mới trở thành hiện thực. Lý do là xứ Pháp đã có hàn lâm viện từ 350 năm nay, và cơ quan duy nhất có quyền quyết định tối hậu mọi chuyện liên quan đến tiếng Phú Lang Sa này, cho tới bây giờ, chưa cho thấy có ý muốn rục rịch bàn bạc gì về “mademoiselle” cả! Và một khi mà qúy vị nam nữ viện sĩ hàn lâm nhà ta đồng ý bắt đầu bàn tới chuyện ni rồi, thì vì qúy viện sĩ thường làm việc rất chậm rãi, cẩn thận, lề mề, nên chắc chắn là cũng phải còn lâu lắm các ngài mới “đẻ” ra được quyết định!

Rời xứ Pháp, xin mời qúy vị ghé Tây Ban Nha để nghe chuyện bà già lấy chồng.

Một trong những nhà qúy tộc giàu có nhất Âu châu, nữ công tước Maria del Rosario Cayetana Alfonsa Victoria Eugenia Francisca Fitz-James Stuart y Silva (gớm, tên gì mà dài thế!), trời thương năm nay niên tuế là 85, vừa lên xe bông về làm vợ một viên công chức trẻ hơn lão bà 24 tuổi hôm mồng 5 tháng Mười, 2011 tại thành phố Seville ở Tây Ban Nha.

Vài trăm bà con nhân dân Tây Ban Nha đã tụ tập ở cổng lâu đài được xây cất vào thế kỷ thứ 15 và có tên là “Palacio de las Duenas” của nữ công tước để đón chào lão cô dâu khi nữ công tước sánh vai cùng tân lang tiến ra chào đáp lễ mọi người có lòng đến chung vui. Lễ cưới diễn ra tại nhà nguyện ở trong lâu đài trước sự chứng kiến của thân nhân dâu rể và một số nhỏ các nhân vật nổi tiếng trong giới thượng lưu châu âu. Với mái tóc bạch kim chải phồng lên, cô dâu già xuất hiện trong áo đầm đắt tiền màu “salmon” với thắt lưng màu xanh lá cây do công ty thời trang Victorio & Lucchino vẽ kiểu. Cô dâu già đã nhún nhẩy theo điệu nhạc “flamenco”, một điệu nhảy mà nữ công tước rất ưa thích!

Đây là lần lên xe hoa thứ ba của nữ công tước nhà ta. Lần này lão bà kết hôn với ông Alfonso Diez, một công chức với tuổi đời 60. Lần lên xe hoa đầu tiên của bà diễn ra năm 1947, khi đó bà lập gia đình với một sĩ quan hải quân. Đến năm 1972 thì chồng bà qua đời. Sáu năm sau, nữ công tước lên xe hoa lần thứ hai, lập gia đình với một tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế. Cuộc hôn nhân này đã trở thành một “sì-căng-đan” lớn tại Âu châu thời đó và vị linh mục đó đã bị trục xuất khỏi hàng ngũ tu sĩ. Người chồng thứ hai này của bà qua đời năm 2001. Nữ công tước có 6 người con (năm trai một gái) với các ông chồng này.

Đầu năm nay, khi được biết bà muốn lên xe hoa về làm vợ công chức Alfonso Diez, các con bà đã phản đối dữ dội. Sáu người con muốn biết tài sản của bà, ước lượng khoảng từ 800 triệu tới 5 tỉ mỹ kim, sẽ bị chia cắt như thế nào nếu bà lập gia đình với Alfonso Diez? Để các con được yên tâm và không tiếp tục chống đối, nữ công tước đã quyết định cho các con hầu hết tài sản của mình (trong đó có nhiều lâu đài và các bức họa của các họa sĩ danh tiếng như Rembrandt và Ruben) khi bà qua đời. Về phần chú rể Alfonso Diez, thì để dành được lòng tin của các con của nữ công tước, ông đã ký văn kiện pháp lý xác nhận hoàn toàn không tranh phần trong tài sản của người vợ sắp cưới. Tuy vậy, khi lễ cưới diễn ra thì cũng chỉ có bốn trong số sáu người con của lão cô dâu tới dự. Theo tin đồn thì một trong hai người con trai vắng mặt ở lễ cưới đã tỏ ra bất bình vì phần tài sản cậu sẽ được thừa hưởng không nhiều như dự đoán của cậu!

Trong những tháng trước ngày cưới, khi bắt được tin đồn là nữ công tước nhà ta có thể “xuất giá tòng phu” lần thứ ba, các báo lá cải ở Tây Ban Nha đã ào ào đưa tin cũng như viết lời bàn. Và trong tuần lễ ngay trước ngày lão bà lên xe bông hôm mồng 5 tháng Mười, báo lá cải “Interviu” đã đăng tấm hình nữ bá tước hở ngực được chụp hồi 30 năm về trước!

Nữ công tước Maria del Rosario Cayetana Alfonsa Victoria Eugenia Francisca Fitz-James Stuart y Silva – một trong những nhà qúy tộc “chói lọi”, “rực rỡ” nhất ở Tây Ban Nha, khách qúy thường xuyên của các dưỡng đường giải phẩu thẩm mỹ và cũng là người có nhiều tước hiệu nhất trong số các nhà qúy tộc trên thế giới (theo Tổ Chức Kỷ Lục Thế Giới [Guinness World Records] thì lão bà có tới 44 tước hiệu!) – cho biết: “Thân nhân và bằng hữu của tôi chỉ ngừng chống đối việc chúng tôi lấy nhau sau khi họ thấy được Alfonso Diez là loại người như thế nào.”

Sau lễ cưới, công chức Alfonso Diez đã nghỉ việc để vào sống tại lâu đài “Palacio de las Duenas” cùng người vợ mới của mình.

Nhân vừa lải nhải hầu qúy vị về chuyện cưới hỏi, tức là chuyện làm vợ làm chồng, tui xin mời qúy vị trở lại Pháp để nghe chuyện vì không làm đủ cái “chuyện ấy”, chồng phải bồi thường cho vợ!

Hôm mồng 5 tháng Chín vừa qua, báo “Telegraph” ở bên xứ sương mù Anh Cát Lợi Anh đăng tin một người đàn ông Pháp đã bị buộc phải bồi thường 8.500 bảng Anh cho mợ vợ cũ của mình vì đã không đáp ứng đầy đủ nhu cầu tình dục cho mợ khi hai người còn là vợ chồng.

Phán quyết hiếm hoi cũng như đặc biệt trên đây được đưa ra sau khi mợ vợ của ông Jean-Louis B. nộp đơn đòi ly dị cách đây 2 năm. Hai vợ chồng ni đã ra tòa ở thành phố Nice thuộc miền nam nước Pháp để nghe quan tòa phán là ngài đồng ý cho mợ vợ ly dị chồng, và Jean-Louis B. là người có lỗi trong cuộc hôn nhân đổ vỡ này.

Ông Jean-Louis B., năm nay 51 tuổi, bị phạt chiếu theo điều 215 của bộ luật dân sự của Pháp. Quan tòa phán là theo điều luật 215 thì các cặp vợ chồng phải đồng ý “chia sẻ cuộc sống chung với nhau” và “quan hệ tình dục là một phần bắt buộc trong hôn nhân”.

Đọc đến đây, chắc qúy vị nghĩ thế là hết chuyện; thế nhưng, chuyện vẫn chưa hết! Lý do là sau đó, mợ vợ 47 tuổi ni lại tiếp tục kiện ông chồng cũ để đòi bồi thường 10 ngàn euro vì tội “thiếu quan hệ tình dục với vợ trong 21 năm”!

Ra tòa, ông Jean-Louis B. khai là vì “mệt mỏi và có vấn đề về sức khỏe” nên đã không thể đáp ứng nhu cầu về “chuyện ấy” của người vợ cũ.
Sau khi nghe đôi bên trình bẩm đủ điều, ngài quan tòa ở tòa án tối cao ở Aix-en-Provence phán:

- Quan hệ tình dục giữa vợ và chồng là sự thể hiện tình cảm đôi bên dành cho nhau. Trong vụ này, cặp vợ chồng này thiếu chuyện đó. Khi kết hôn với nhau là vợ chồng đồng ý chia sẻ cuộc sống chung, và điều đó có nghĩa là họ phải quan hệ tình dục với nhau.

Ông tòa cho biết sẽ quyết định sau về việc mợ vợ có được bồi thường tiền bạc chi không. Cho tới bây giờ, chưa nghe ông tòa phán thêm gì hết. Khi mô có tin tức mới, tui sẽ kính báo để qúy vị tường.

Nhân trên đây vừa nói đến “chuyện ấy” giữa đàn ông và đàn bà, tui nhớ đã được một bạn hiền gửi cho đọc nhận định của phe bóng hồng về khả năng làm “chuyện ấy” ở những chặng tuổi trong cuộc đời của một đấng mày râu như sau:

ĐÀN BÀ NÓI VỀ ĐÀN ÔNG:

- 20 tuổi: như gà trống, sáng nào cũng gáy, chẳng cần ai nhắc.
- 30 tuổi: như xe hơi mùa lạnh nổ máy hơi khó, nhưng chạy tốt.
- 40 tuổi: như bóng đèn, lúc tắt lúc sáng.
- 50 tuổi: như xe tăng, nổ máy rất chậm và di chuyển ì ạch.
- 60 tuổi: như cái đồng hồ cũ, không lắc thì không chạy, mà chưa chạy là lại chết!
- 70 tuổi trở lên thì vì đã thuộc loại “thất thập cổ lai hy”, nên không có ý kiến gì!

Tuy biết là đang thưa thốt cùng qúy vị về chuyện bóng hồng, tui thấy cần xin qúy vị cho phép mở ngoặc ở đây để nói qua về phe mày râu. Lý do là có lẽ sau khi được biết nhận định của qúy bà về khả năng làm “chuyện ấy” ở những chặng tuổi trong cuộc đời mình, qúy ông thấy cũng cần chia sẻ với phe bên kia nhận xét của các ông. Vì thế, các ông viết:

ĐÀN ÔNG NÓI VỀ ĐÀN BÀ:

- Ở lứa tuổi từ 18-22: giống như Châu Phi, một nửa đã được khám phá, và một nửa còn hoang vu, nên nhiều kẻ phiêu lưu luôn muốm tìm tòi.
- Sang lứa tuổi 23-30: giống như Bắc Mỹ, đã được khám phá hoàn toàn và hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, luôn luôn là mơ ước của bao gã đàn ông đang tìm việc.
- Ở lứa tuổi 31-40: giống như vùng nhiệt đới, nóng bỏng, xinh đẹp và đầy huyền bí, làm cho bao nhà thông thái ngã ngửa vì không thể giải thích nổi!
- Bước sang lứa tuổi 41-50: giống như Âu Châu, một nửa đã bị tàn phá sau chiến tranh, nhưng vẫn còn rất thu hút và không kém phần hấp dẫn khiến bao người muốn đến một lần cho biết…
- Ở lứa tuổi 51-60: giống như Úc Châu, rất rộng nhưng đa phần là sa mạc, rất yên tĩnh, an phận sống dưới sự bảo hộ của Anh Quốc, “Miệt Dưới”…ít kẻ muốn quấy rầy.
- Ở lứa tuổi ngoài 60: giống như Nam Cực, ai cũng biết nơi này, nhưng chẳng ai buồn ghé tới!

Cách đây khoảng chừng gần một tháng, các độc giả trên net chuyển cho nhau một chuyện phiếm mang tựa đề là “Chồng Tôi”. tui cũng được vài bạn hiền chuyển cho đọc. Bài viết rất vui, đọc thấy thoải mái lắm và rõ ràng là do một bóng hồng viết về đấng lang quân của bà.

Có một điều tui để ý là trong số các bản chuyển đã nhận được, có bản thì thấy ghi tên tác giả là Dương Ngọc Ánh, có bản thì lại thấy tên tác giả là Dương Nguyệt Ánh, giống hệt tên nữ khoa học gia nổi tiếng Dương Nguyệt Ánh, người đã sáng chế ra một loại bom mới là “thermobaric bomb” được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Trung Đông và hiện giữ một trong những chức vụ chỉ huy cao cấp trong bộ Quốc Phòng Mỹ. Có bạn hiền, khi chuyển “Chồng Tôi” cho tui đọc còn ghi thêm nhận xét của cá nhân ổng là không ngờ nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh lại còn có tài viết văn nữa!
Việc ai thực sự là tác giả chuyện phiếm vui “Chồng Tôi” tui xin trình qúy vị sau. Bây giờ, xin cho tui lược qua bài phiếm vui nhưng cũng rất thật này:

Có lẽ vì ông chồng của tác giả cũng không còn lấy gì làm trẻ cho lắm, cho nên mở đầu bài vào là tác giả đề cập ngay đến cái tính hay quên của ông. Bà viết:

“Thực sự càng vào tuổi già chàng càng ‘ngớ ngẩn’ và hay quên. Ngày xưa khi chàng còn trai trẻ thì có lẽ có ‘hạnh kiểm’ hơn trong những ngày tháng muộn màng. Thưở ấy, dưới mắt chàng tôi có một dáng dấp không đến nỗi tệ. Bây giờ chàng đã quên mất cô vợ ngày ấy; thay vào đó là những cái nhìn ngẩn, nhìn ngơ cho những cô gái chân dài bất tận, không liên hệ chi với chàng, mà còn khen rối rít: ‘Con nhỏ đó có cặp giò ngon dễ sợ!’ hoặc: ‘Cô ta có bộ ngực núi lửa’. Đi ngoài đường thấy gái đẹp thì chàng quên bẳng là đang đi với vợ mà tưởng rằng tôi là thằng bạn nối khố của chàng: ‘Trời! Trời! Ngó cái mông thiệt đã!’ Có khi tôi đã thấy chàng nhìn chăm chăm mấy cô gái phô bày cặp ngực, khêu gợi, căng đầy nhựa sống; rồi chàng nhìn theo trong kính chiếu hậu tiếc ngẩn tiếc ngơ. Tôi cũng đoán được chàng đang suy nghĩ gì! Có phải ông cha ta đã nói ‘Gìa thì phải nên nết’. Hình như đây chỉ là một giả thuyết?”

Kế đến tác giả đề cập tới tính “tinh nghịch” hiện nay của chồng mình:

“Cụ nhà tôi bây giờ còn ‘tinh nghịch’ hơn xưa. Cụ đã cùng với những cụ khác dấu diếm gởi cho nhau những tấm hình táo bạo, những khúc phim ‘đặc sắc’ để chiêm ngưỡng, rồi cười đùa khoái trá như những cậu học sinh trung học ngỗ ngáo. Nếu bị phát giác thì cụ lại chối leo lẻo: ‘No, I’m a good guy!’ Mỗi lần có hình khỏa thân hấp dẫn hay phim ‘nghèo’ là trong làng bằng hữu của chồng tôi thật nhộn nhịp, rộn ràng: ‘Mày cho tao xin phim này đi. Mày upload lên megaupload thì rất thuận tiện vì tao có premium account với thằng này.’… Tôi còn nhớ khi cụ nhà tôi gởi tựa đề của cuốn sách 365 Sex Positions lên mail group của cụ thì gần như suốt một tuần các cụ đã tranh cãi và thảo luận sôi nổi về đề tài nầy còn hơn những bài luận văn chính trị cuối mùa văn hóa hồi các cụ còn mài đũng quần ở Đàlạt! Chưa đủ, có cụ còn chôm nguyên cuốn sách ‘trình làng’ với đầy đủ hình ảnh chi tiết. Có cụ còn muốn vớt vát cho cái lém lĩnh của mình bằng sự trấn an của khoa học: ‘Nói có sách, mách có chứng; mỗi ngày chỉ cần 10 phút coi hình thiếu vải thì hạ huyết áp, tránh được bệnh tim’. Bí quyết sống lâu đây rồi, mỗi ngày chỉ 10 phút thôi, không phải tin đồn bậy bạ mà có nghiên cứu đàng hoàng. Đã có gan coi hình tươi mát mà còn sợ thượng mã phong!”

Rồi tác giả cho biết là y học đã chứng minh rằng đầu óc đàn ông lúc nào cũng đầy dẫy chuyện gió trăng và hơi hám đàn bà lúc nào cũng vương vấn trong những cuộc đối thoại. Bằng chứng là khi chồng bà dự định mua máy hình, ông hỏi các bạn loại máy hình gì tốt, đẹp và bền, thì ngay lập tức các đồng môn của ông xúm lại khuyên bảo:

- Nhu cầu của mỗi người khác nhau, vấn đề là mình phải biết nhu cầu của mình là gì thì mới chọn lựa được sản phẩm thích hợp. Có người thích em trắng, kẻ thích em đen, người chuộng da rám nắng, kẻ thích vú bự, người mê ăn quýt. Tùy theo khẩu vị mà chọn hàng.

Tuy vậy, tác giả lại có nhận xét là:

“…Nói gì thì nói họ vẫn thuộc làu câu ca dao tục ngữ gối đầu giường ‘Ta về ta tắm ao ta…’ rồi lại phụ đề thêm Việt Ngữ: ‘Cái này là nói mấy em chân dài, nói phở thôi. Cơm nhà dù sao vẫn chắc bụng, no lâu.”

Tác giả cho biết khi về đến tuổi già thì việc “Trên bảo dưới không nghe” là điều quan tâm nhất của các đấng mày râu:

“Tôi thấy đức lang quân của tôi thường nhận được những lời chia xẻ của bạn bè để làm thế nào mà trẻ mãi không già. Chưa đủ, họ còn truyền cho nhau những loại rượu, có khi luôn cả những thang thuốc truyền kỳ, để cùng tìm hiểu bí quyết về huyền sử ái ân. Khi có dịp gặp nhau thì lại thì thầm, mách nước xem thử kết quả có ly kỳ như họ nghĩ hay không. Lạ lùng thay, tôi chưa nghe anh nào thật sự thố lộ là những chung rượu thần kỳ và các liều thuốc nổi danh lịch sử đã làm cho họ cải lão hoàn đồng! Đức lang quân của tôi cũng đã dại khờ, liều mạng tu gần nữa chai rượu của một người bạn quý cho anh để đi tìm kết quả. Nhưng chàng đã quên mất rằng hai anh em thằng lớn, thằng nhỏ cùng một tuổi thì dù thuốc tiên, phép lạ cũng phải bó tay.”

Về các đặc điểm của chồng mình, tác giả cho biết:

“Chồng tôi có một đặc điểm là biết ‘vâng lời’ vợ. Một phần là nhờ anh ở phương tây khá lâu nên không ít thì nhiều anh cũng có tiêm nhiễm về nếp sống văn minh nơi xứ người. Kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật hoặc ngày của tình yêu mà quên là anh ‘lãnh nợ’. Để tránh khỏi mua quà tầm bậy, anh thường cẩn thận hỏi trước (thà mất lòng trước hơn được lòng sau!): ‘Em thích quà gì cho sinh nhật của em?’ Tiền đâu anh mua hột xoàn, kim cương; tiền đâu anh mua xe hơi, nhà lầu hay những món quà đắt giá! Nhưng dại gì mà nói, anh phải tự suy nghĩ để đem lại sự ngạc nhiên vui thích cho mình: ‘Không cần đâu anh! Em đâu thiếu gì!’ Ông chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, cứ thế mà làm theo, chẳng quà cáp gì ráo. Tưởng vâng lời như thế thì được điểm tốt, nhưng chiến tranh lạnh đã xảy ra. Anh lại ngây thơ thăm hỏi: ‘Sao em lạnh lùng như băng giá?’ Khi chiến tranh bùng nổ thì anh trả lời: ‘Em nói em không cần gì hết, mà tại sao bây giờ không vui? Em nói sao thì anh nghe vậy, có gì mà hờn giận, trách móc?”

Nếu cho rằng anh là một ông chồng ‘lý tưởng’, nghĩa là đẹp trai, vạm vỡ, hào hoa, phong nhã, đa tình, lãng mạng, thì có lẽ anh sẽ được chấm hạng dưới trung bình; cũng có thể gọi là hạng chót! Nhưng anh là một người thật thà. Ngày xưa anh yêu tôi vì tôi có mái tóc thật dài, xõa ngang lưng, thơm mùi quyến rũ. Ngày hôm nay, tôi càng cố gìn giữ bao nhiêu, thì hàng chục sợi tóc đáng thương cứ cuốn theo chiều gió mà bay mãi. Chải tóc cho tóc mượt thì chỉ thấy nền nhà phủ đầy những sợi tóc khô khan của tuổi đời. Anh bây giờ không còn vuốt tóc tôi như ngày xưa mà còn bảo: ‘Tóc em sao rụng quá cỡ vậy? Vài năm nữa không đội tóc giả thì cũng thành ni cô!’ Nghe mà nóng gà, muốn nổi tam bành lục tặc!

Một điểm đặc biệt và ‘đáng yêu’ của chồng tôi là anh rất thẳng thắn, phải nói rằng toạc móng heo. Tôi có một cái tính là thích ăn mặc hơi hở hang, có lẽ cũng muốn níu kéo một tí gì trước khi xã hội xếp mình vào dĩ vãng. Nhưng khi mặc áo đầm, váy ngắn hoặc áo cổ rộng tròn phơi bày thì sẽ được anh thẳng thắn khuyên nhủ: ‘Em mặc như vậy có ngày trúng gió bất tử.’ Anh làm tôi cụt hứng, tưởng rằng ăn mặc mát mẻ sẽ làm anh gợi cảm và nhìn tôi như những đàn bà trẻ đẹp khác. Thiệt chán còn hơn ăn cơm nếp nát!

Về nghệ thuật, chồng tôi có một cái nhìn rất khác người. Khi đi mua sắm, tôi thường ‘mời’ anh đi theo, trước thì để xách đồ, sau là làm ‘cố vấn thời trang’. Có lẽ là vì được ‘nhờ’, nên anh đóng góp ý kiến rất nhiệt tình. Áo quần hơi có bông ba màu sắc thì anh bảo: ‘Sao không mua thêm vài cái lư hương lập miếu lên đồng cho đủ bộ?’ Khi mua nịt da bản bự cho hợp thời trang thì anh đến bên tôi nói nhỏ: ‘Anh thấy tiệm kia bán nịt còn cho thêm cái khiên, cây kiếm và đôi sandal; em mua để đóng phim Gladiators coi được lắm.’ Còn mua quần nhiều túi thì anh chêm vào: ‘Được đó! Mua cái quần này thì đi chợ khỏi cần trolley’. Tức muốn chết người!

Tuy chồng bà đủ thói hư tật xấu, mất nết, thiếu hạnh kiểm nhưng tác giả tâm tình và kết luận một cách hết sức thành thật và rộng lượng:

“Tôi biết rằng anh chỉ vui rôm rả với bạn bè. Có lẽ nhờ vậy mà lúc nào tôi thấy anh và các bạn vẫn luôn luôn trẻ mãi. Dù sáu hay bảy bó, không là chuyện lớn. Ngày nào anh và các bạn còn nhìn được hình tươi mát; ngày nào mắt còn rõ để phân biệt được bầu, mướp, cam, bưởi thì không thể gọi là già. Ngày nào còn xách đồ được cho vợ, còn hơi để làm ‘cố vấn thời trang’ là ngày đó còn hạnh phúc. Ra đường nhìn gái còn khen là đầu óc còn sáng suốt (khi nào nhìn đàn ông thành đàn bà thì tôi mới run). Sự sống trên trái đất này sẽ không tồn tại nếu không có những người như chồng tôi và bạn bè của anh.”

Chỉ đọc những trích đoạn trên đây của bài “Chồng Tôi”, tui tin rằng qúy vị cũng đã đồng ý với tui là tác giả viết vui lắm, thoải mái lắm nhưng cũng thật lắm.

Như đã hứa ở trên, bây giờ tui xin nhờ ông Nguyễn Bắc Hải giúp qúy vị biết ai là tác giả “Chồng Tôi”: bà Dương Ngọc Ánh hay bà Dương Nguyệt Ánh. Xin mời đọc email dưới đây:

Wednesday, 05 October 2011 07:41
Thưa quí vị và các bạn,
Bài viết phiếm “Chồng Tôi” của tác giả Dương ngọc Ánh quả là có cánh bay hơi xa và hơi nhanh nên có tạo sự ngộ nhận. Tuy nhiên sự ngộ nhận này nó cũng không mang một hậu quả đến nỗi nghiêm trong nào, ngoài một sự lẫn lộn về chữ tên lót của hai vị nữ lưu mà cá nhân tôi đều có sự quí mến.
Thực ra, đây chỉ là một chuyện phiếm vui do chị Dương ngọc Ánh – vợ của người bạn tôi – viết về chồng chị và thân hữu của chồng chị trong sinh họat thường ngày ở một mailgroup của chúng tôi.
Tôi thấy có chăng chỉ là sự tam sao thất bổn về cái tên tác giả mà thôi, (do các độc giả trên net, khi họ chuyển cho nhau chuyện phiếm này) chứ thật tình không ai có ác ý gì với chị Dương nguyệt Ánh cả. Ngôn từ xử dụng cũng không hề mang tính khiếm nhã và tục tĩu. Nó mang tính hoạt kê và phóng khoáng. Và trong bài phiếm không hề có một điều gì ác ý ngầm nhắc đến cá nhân, gia đình hay bất cứ điều gì trong sinh hoạt hoặc trong công việc gì của chị Dương nguyệt Ánh cả.
Tác giả chỉ viết về những chuyện phiếm mà chỉ có các độc giả “thân hữu nội bộ” mới đồng điệu được.
Vợ người bạn chúng tôi tên thật là Dương ngọc Ánh, một công dân Anh gốc Việt .Chị có Master về Luật Công Pháp và một về Education tại đại học Anh quốc. Hiện sống và làm việc ở Luân Đôn trong ngành giáo dục, vượt biên tị nạn ở Anh đã hơn 30 năm từ khi còn khá trẻ, nhưng chị vẫn xử dụng tiếng Việt khá xúc tích và linh hoạt .
Chị viết chuyện phiếm này, sau kỳ họp mặt của chúng tôi vào tháng 5 /2011 vừa qua ở Mỹ với toàn thể gia đình các bạn đồng môn của chồng chị từ khắp nơi trên thế giới về tập họp nhau lại đây. Chị muốn gởi đến chồng chị và các thân hữu một bài phiếm chân tình, lột tả những nét đời thường của những “lão thanh niên” đã vào tuổi lục tuần, sau những năm tháng dài của cuộc chiến và nhà tù nhưng họ vẫn giữ được tình cảm gắn bó với nhau trong cuộc sống đời thường qua sự trẻ trung ấy khi họ gặp lại nhau trong Ngày Hội Ngộ tại nước Mỹ tự do này.
Thay lời kết. Đây là một ngòi bút phiếm Thật, ký tên Thật là Dương Ngọc Ánh, dân Angle chính gốc Nha Trang,Việt nam, không hề có một sự ác ý hay cầm nhầm nào với ai cả . Chị viết cho thân hữu đọc, nhưng có lẽ bài phiếm này được sự hâm mộ của nhiều độc giả, nên nó đã được chuyển đi khá rộng rãi trong một thời gian ngắn và do sự tam sao thất bổn về tên lót của tác giả với chị Dương nguyệt Ánh nên đã có sự ngộ nhận xảy ra mà thôi. Tuy nhiên, như tôi đã nêu ở trên là nó không có gì nghiêm trọng cả.
Chúng tôi chỉ muốn nêu lên sự việc với quí vị và các bạn để cho rộng đường dư luận.

Kính chào quí vị và các bạn,

Nguyễn Bắc Hải.

( ST )



_________________
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ.
Chí anh hùng click chuột định giang sơn.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI