Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

chọi chữ : chữ CÀ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Nguyen Ngoc Hai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 9 2009
Số bài: 1789
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: Năm 4 11, 2013 11:01 pm    Tiêu đề: chọi chữ : chữ CÀ Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

chọi chữ : chữ CÀ

http://www.youtube.com/watch?v=HYqgemo4ysk

Vè 125 chữ CÀ
Nghe vẻ nghe ve nghe vè chuyện Cà
Rảnh rỗi tà tà nói chơi là Cà rỡn
Ăn nhiều không lớn ốm Cà tong Cà teo
Những ngóc tay đeo gọi tên Cà rá
Kho mắm nấu cá thêm trái Cà chua
Tròn nhỏ lủm lùa là trái Cà pháo
Nướng hấp xào xáo là Cà dái dê
Làm trật mê mê Cà hơ Cà hất
Xào lăn cay ớt thêm bột Cà ry
Nói hoài chẳng đi Cà riềng Cà tỏi
Nổ vang chói lói súng đạn Cà nông
Bổ máu huyết thông thì ăn củ Cà rốt
Không sợ lửa đốt thì nấu lò Cà ràng
Nói móc ngang tàng là cái thằng Cà xóc
Tánh tình cộc lốc Cà chớn bực mình
Âu phục văn minh cổ thắt cái Cà vạt
Chân đi chữ bát Cà nghinh Cà ngang
Ai về Phan Rang ghé thăm Cà Ná
Nước xấp mắt cá là con sông Cà Ty
Ngang qua Củ Chi chỉ chỏ con Cà cưởng
Muổi mòng tăng trưởng đầy nghẹt đất Cà Mau
Dông dài với nhau Cà kê dê ngỗng
Ngồi quán thả mộng bên ly Cà phê
Miễn dịch lính chê vì chân đi Cà nhắc
Nhà sư hay mặc là chiếc áo Cà sa
Tay bắt con cá tra Cà trầy Cà trật
Ganh tị lật đật con nít Cà nanh
Nghèo sống quẩn quanh Cà lây Cà lất
Tai nạn chân mất Cà thọt một giò
Nhậu nhẹt lắm trò Cà lơ xích xụi
Người thượng miền núi Cà răng căng tai
Sáng xỉn chiều say Cà khật Cà khưởng
Vất vơ vất vưỡng Cà ưỡng Cà rề
Làm ăn lề mề Cà ạch Cà đụi
Thất nghiệp tụ tụi Cà nhỗng vui chơi
Tây Ninh xa vời có Cà Tum bản Thượng
Cọp gầm âm hưởng vang tiếng Cà uuum
Cổ khẹt um sùm là bị Cà hước
Mượn nợ cho được hay nói Cà nhây
Tai nghe trậm trầy Cà nghễnh Cà ngãng
Tướng đi chàng hảng Cà rịch Cà tang
Ăn tô bún thang cả làng đòi Cà cuống
Cắn ngọc rau muống Cà đủi nhi nhô
Ăn nói xô bồ Cà xốc Cà tát
Bịnh cảm lưỡi chát thì ăn trái Cà na
Chậm lụt tà tà Cà rà cái tật
Đựng gạo chồng chất có cái bao Cà ròn
Nói chậm lòn hòn Cà lăm Cà lập
Ngủ run lập cập vì sợ con ma Cà rồng
Việc làm lông bông Cà chụp Cà chưởi
Ba hoa miệng lưỡi Cà chía khó ưa
Biếng nhác cù cưa Cà trây Cà trét
Mép mồm chót chét Cà kéo Cà cưa
Trâu mệt cày bừa Cà hồ Cà hộc
Chân cao trên cọc là đi Cà khêu
Rong chơi đều đều Cà lêu Cà lõng
Vòng vo lõng nhõng cà quẹo cà quanh
Con nít tuổi xanh gọi là cà nhóc
Dừa nước lá mọc cà bắp vượt cao
Đạp gai thốn đau cà tưng nhảy dựng
Ghe chài chở đựng Miên gọi Cà dom
Ngăn cách kẻ dòm cà tăng tre bện
khom khom ểnh ểnh dáng đi cà khum
Ngọt lạnh tê mồm cà rem là liếm liếm
Gặp rượu ngon hiếm cà trót một hơi
Bia ôm gái mời xáp vô cà hẩy
Lạnh run bây bẩy cà nẹo ấm mình
Đi dạo long nhong cà lơn vô sự
Chất đống lúa bự gọi là cà lan
Con mắt tà gian thường hay cà chớp
Té sông bị ngộp cà hụp cà ngoi
Cá lóc nhỏ nhoi gọi cá cà cững
Ôm nhau dị ứng cà nhích gái trai
Khỉ la đêm ngày cà chí cà chóe
Mắt ghèn lại lé cà nhướng ngó quanh
Ăn lẹ nuốt nhanh thì bị cà nấc
Kinh phong xấc bất cà giựt liên hồi
Trai gái hôn môi động cơn cà cởn
Lùn xịt muốn lớn cà nhón thêm cao
Ốm yếu ho lao cà nhom nhẹ ký
Què chân mang bị cà lết ăn mày
Ăn nhậu no say nói năng cà khịa
Phục kích bắn tỉa là cà khỉa từ từ
Mặt sầu ưu tư tướng tinh cà khổ
Bụng ăn quá lố cà lình cà xình
Đọc báo nhật trình khen hay cà gật
Thuốc đắng đã tật cà hớp nuốt liền
Nghẹt thở liên miên ho hen cà khẹt
Vịt bầu lẹt đẹt cà kếu ồ ề
Tiêu chảy thấy ghê vì uống lầm cà dược
Nhậu say lướt khướt cà huênh cà hoang
Che chắn thay màn cà rèm bao bọc
Ru con nín khóc cà đong cà đưa
Tướng gà mắc mưa quẹo đầu cà niểng
Ghen tương răng nghiến cà dựng vổ đùi
Cơn giận chưa nguôi xé áo cà đạp
Coi tuổi không hạp duyên thụt cà lui
Phần số đen thui cà tha mút chỉ
Những khi thủ thỉ chàng dở ngón cà râu
Nàng bấu nàng bâu cà đư cà đứ
Rồi nàng mua sắm đủ thứ chàng cà thẻ phát rầu
Vè đã hơi lâu tới đây xin chấm dứt
Ai còn ấm ức xin mời mần tiếp theo


CHỌI CHỮ: CHỮ CÀ


CHỮ CÀ CỦA DÂN TA

Trong tiếng Việt, chữ “cà” là một trong những chữ thuộc loại đa dạng vì có nhiều tiếng đôi.

Vì có một số độc giả thuộc giới trẻ lớn lên ở hải ngoại, nên mỗi chữ đơn hay chữ đôi liên hệ đến chữ cà đều có kèm theo một giải thích ngắn. Những chữ đặc biệt thì giải thích dài dòng hơn.

Vào khoảng thập niên 1965-75, nhà văn Bình Nguyên Lộc (BNL) có viết nhiều quyển sách nói về sự liên hệ giữa tiếng Việt và tiếng nói của những nước thuộc Đông và Nam Á (Đ&N Á) như: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (NGML), Lột trần Việt ngữ, Tự vựng đối chiếu 10 ngàn từ (giống nhau giữa các dân tộc Đ&N Á). Trong quyển NGML, BNL cũng đã cho rất nhiều chữ trong tiếng Việt do nguồn gốc mà ông gọi là “Mã Lai” (Mã Lai là tên của một ngôn ngữ, chớ không phải xứ hay quốc gia Mã Lai hoặc chủng tộc Malaysia mà chúng ta thường nghe tới). Ông Lộc cũng cho chúng ta nhiều chữ mà rất nhiều chủng tộc ở vùng Đông Nam Á, bao gồm Khmer, đều dùng với âm và nghĩa giống nhau hay trại đi do điều kiện địa lý, hay ngôn ngữ.

Vào năm 2004, qua một buổi nói chuyện ở Viện Việt Học tại Westminster, California, bác sĩ kiêm học giả Nguyễn Hy Vọng (NHV) cho chúng ta biết ông cũng đã viết xong quyển Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt” (TĐNGTV, Cognatic dictionary of the Vietnamese language). Theo ông, VN, Khmer (Cam Bốt), một số sắc tộc Đồng bào Thượng VN, Thái Lan, Myanmar (tên cũ: Burma hay Miến Điện), một số sắc tộc thuộc Trung Quốc v.v. có chung một nguồn gốc ngôn ngữ mà ông xác định là thuộc nhóm ngôn ngữ “Môn” (đọc là “Mòn”.) Cũng theo NHV, quyển sách của ông liệt kê ra khoảng 27 ngàn chữ đồng âm đồng nghĩa nói trên, trong đó có nhiều ngàn chữ giống nhau giữa VN và Khmer. Ông chưa xuất bản quyển từ điển. Tuy nhiên một phần nhỏ của quyển sách đã được đưa vào CD và chúng tôi có nhận được một CD do ông tặng, trong đó có nhiều trang về chữ cà.

Một số chữ như: cà chớn, cà thọt, cà ròn v.v. là những chữ thuộc một trong hai loại vừa nói bên trên: tiếng Việt gốc Khmer hay những tiếng đồng âm đồng nghĩa giữa Việt Nam và Khmer.
Một số chữ lại có nguồn gốc từ các nước khác như Anh, Ấn Độ, Pháp, Thái Lan.

Có một số chữ cà dùng từ Nam chí Bắc (cà độc dược, cà phê, cà pháo, cà tím, cà kê dê ngỗng, cà mèn, cà mên, cà rịt cà tang v.v. Nhưng một số chỉ thông dụng ở miền Lục Tỉnh (Nam Bộ) mà thôi như: cà dái dê, cà dĩa, cà na, cà chía, cà khịa, cà ràng, cà ròn, cà tăng (trong số nầy có một số chữ cà có gốc Khmer).

Đa số những chữ cà đều liên hệ đến hành động, cử chỉ, dáng đi; hay là tên các loại trái cà.

Một số lớn những chữ cà dù ở danh sách phần A hay phần C bên dưới, đều có trong CD vừa nói bên trên của học giả Nguyễn Hy Vọng.
Chỉ riêng có ba chữ Cà da, cà đuối và Chắc Cà Đao là ở trong quyển Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam của học giả Vương Hồng Sển.

Vài chữ khác là do chúng tôi nhớ đâu viết đó.

A. MỘT SỐ CHỮ ĐÔI LIÊN HỆ ĐẾN CHỮ CÀ, CÓ GỐC NGOẠI QUỐC

a. Chữ gốc Thái Lan

Cà khệch: ngờ nghệch, khờ khạo.Thai: kà-khêk (4).

Cà nhong, cà nhõng: đi long bong không định hướng, không mục tiêu. Thai: kh-yong; pay kh-yong = đi cà nhõng (4).

Xáp lá cà. Thái: ra ca = con gà. Xáp lá cà = Đánh cận chiến giống như hai con gà đá nhau nên gọi đánh xáp ra ca. Không biết từ lúc nào ra ca trở thành lá cà. Chuyện biến giọng là một hiện tượng tự nhiên trong ngôn ngữ.

b. Chữ gốc Ấn Độ

Cà ri: Có ba nghĩa: “1. Bột gia vị gốc Ấn Độ gồm nhiều thứ: hột cây cà-ri, nghệ, gừng, đinh hương, ớt, vị . . .Ếch ướp cà-ri. 2. Món ăn dùng cà-ri. Cà-ri gà, cà-ri cá. 3. Ám chỉ người Ấn-Độ (có ý trêu chọc). Trông có vẻ cà-ri lắm.” (2).
Ngày nay, chữ “cà ri” vẫn còn thông dụng.

Cà sa: (S = Sanskrit: kasaya; P = Pali: kesa) hay áo cà sa có nghĩa là áo hoại sắc = áo nhuộm màu bùn, dùng màu từ vỏ cây làm cho bớt vẻ hoa hòe, sặc sỡ.

Tu sĩ thường dùng 3 áo (tam y): Chiếc áo ngoài, và là chiếc áo đầu có tên là tăng già lê (S: sanghati). Hai áo kia gồm “áo giữa” hay uất đa la tăng (S: uttarasanga) và áo trong hay an đà hội (S: antarvàsaka). Theo nguyên nghĩa, áo cà sa gồm những miếng vải vụn (lượm được ở các đống rác) ráp lại. Áo shanghati gồm 9 miếng; áo uttarasanga, 7 miếng; và áo antarvàsaka, 5 miếng. Trung Hoa còn gọi áo cà sa là phước điền y, giải thoát y, hay vô cấu y (áo không nhuốm bụi đời).

c. Chữ có nguồn gốc Pháp

Cà bông hay ma cà bông (vagabond = người đi lang thang không có chỗ ở nhất định)

Cà da (carde) = bàn chải để chải lông ngựa; Động từ carder = đánh cà da = chải lông cho suông, cho mượt). Chữ nầy chỉ thông dụng trong giới nuôi ngựa ngày xa xưa thời Pháp thuộc, khoảng thập niên 1940-50 về trước.

Cà men = cà mên, hay gào mên: (gamelle): vật dụng đựng thức ăn.
Cà nong: (canon) = súng đại bác, đại pháo.
Cà nong: (trong bài thơ ở phần cuối tác giả của bài thơ dùng chữ nầy để chỉ dương vật).
Cà phê: (café) loại cây có hột đậu dùng làm thức uống.
Cà rá = nữ trang đeo ở ngón tay, thường có nhận hột xoàn (kim cương) do chữ carat mà ra.
Cà vạt: hay cà ra oách, (Pháp: cravate, Anh: tie = dây trang hoàng đeo vòng qua cổ và thòng trước ngực.

Giáo sư Phan Tấn Tài cho biết thêm nhiều chi tiết về chữ carat vừa nói. Có hai chữ ca ra với hai nghĩa khác nhau (7):

- Cà rá < ca ra (carat): Trong hợp kim vàng, 1 ca ra là 1/24 (4,16 phần ngàn), là mệnh danh vàng trong hợp kim hệ thống vàng-đồng hay hệ thống vàng-bạc ngày xưa. Cà rá (carat theo nghĩa 1 = mệnh danh vàng), xác định thành phần hay phẩm chất vàng. Các loại vàng thông dụng 333, 585, 750, 999 tức vàng 8, 14, 18, 24 ca ra của ngày xưa.
Mệnh danh hợp kim vàng ngày nay không dùng ca ra (1/24) mà là 1/1000. Thí dụ vàng 18 ca ra, ngày nay là vàng 18/24x1000 = 750.

Cà rá đã việt hóa bình thường hiểu theo nghĩa của carat hợp kim.

- Ca ra (carat) cũng là đơn vị trọng lượng của khoáng chất quí như kim cương: Một ca ra kim cương là 2 décigramme [(0,2 gramme(g) hay 200 miligramme(mg)], gốc từ ngữ carat là keration = trái cồng. Hột trái cồng dùng làm đơn vị trọng lượng trong việc buôn bán kim cương ngày xưa. Vậy ca ra theo nghĩa 2 (kim cương) là đơn vi trọng lượng kim cương.

Hai từ “carat” không dính líu nhau về phương diện vật lý.

Cái cà vạt và cái cà rá sống vượt thời gian. Ngày nay nó vẫn còn thông dụng cho cả hai phái, chỉ thay đổi màu và phẩm chất tùy theo số lượng “anh hai” (tiếng lóng để chỉ tiền).

Cà rem (crème): chất sữa béo đông lạnh, như cà rem cây, cà rem va ni (vanille).
Cà rốt (carotte): loại củ màu vàng đỏ dùng nấu súp, hoặc trộn xà lách.

d. Chữ cà của dân Lục Tỉnh
(Những chữ gốc Khmer hay chữ có âm/nghĩa gần giống
giữa Khmer và Việt Nam)

Cà: trái cà. Khmer (Khm): kar, klar.
Cà chất: tên một loại gỗ cứng. Khm: ph-ch ất.

Cà chớn: lười biếng, vô tư cách, vô trách nhiệm. Khm: kh-chơi, kchưl = cà chớn; kần chrới = vô trách nhiệm; kàm chơi = nhác nhớm.

Cà đước = Cà hước, hay Cà hớp (hay cà ngáp): thiếu hơi thở, phải hả miệng hít hay hớp thêm hơi. Cá cà hớp cà hớp = ngộp hơi, hả hớp nước và ngậm miệng nhanh liên tục. Người “ngáp ngáp” là người sắp chết vì thiếu hơi thở. Khm: kh-yơch, kh-lâch (nghẹn cuống họng).

Cà giựt: đi, chạy không tự nhiên, ngập ngừng. Anh ấy bi bịnh nên đi cà giựt cà giựt. Xe gần hỏng máy nên chạy cà giựt cà giựt. (= cà giật, cà giục cà giặc)
Cà kê, cà kê dê ngỗng: nói lòng vòng nói kéo dài từ chuyện nầy sang chuyện khác.
Cà kê: khề khà (cà kê dê ngỗng). Khm: r-kề r-cà.
Cà rà: lẩn quẩn gần sát một bên. Cà rề cà rề: chậm chạp; đi cà rề cà rề biết bao giờ mới tới, làm việc cà rề cà rề biết bao giờ mới xong.
Cà mèn: con nít còn nhỏ. Khm: kh-mèng
Cà nhóp, cà nhót: dáng đi; đi cà nhắc với một chân hơi cao do nhón lên vi bị đau. Khm: k-nhok, k-chok
Cà nhắt: khập khểnh. Khm: kh-nhak; Dao nhăk nhok = đi ỏng ẹo.
Cà Mau: tên vùng cực Nam của VN. Khm: Tuk Khmau = đất đen.
Cà na. Khm: kana. Cà na là loại cây/trái của chi canarium, hình dáng trái cà na không khác gì trái olive và cũng có các màu sắc lúc trái chín như olive: có loại màu đen, có loại màu xanh lợt, có loại màu trắng, cho nên loại cà na đen (loại làm mứt bán trong các tiệm tạp hóa) với tên khoa học canarium pimela được gọi là "chinese black olive". Nói về vùng sinh sống chánh, Miền Nam VN được liệt kê vào hàng đầu, rồi tới Mã Lai, Thái Lan (Thailand), Nam Trung quốc. Trái cà na trong tiếng Việt còn được gọi là quả tráp (phương Bắc), Trung quốc gọi là lãm, Khmer gọi là kana. Cùng trong chi canarium có loại cây hạt pili được người Phi Luật Tân (Philippines) gọi là kanari. Cà na là từ ngữ trở thành tên gọi của một chi trong khoa học thảo mộc (canarium), bắt nguồn từ tiếng Nam Dương (Indonesia), Khmer hoặc Việt (7).

Cà om. Khm: ko-om = một loại dụng cụ dùng đựng chất nước với dung tích độ vài lít. VN còn gọi cà om là cái “hũ” hay cái “tỉn”.
Cà ràng. Khm: kran, k-raal = một loại lò bếp, có đáy chứa tro và than. Bếp lò nầy làm bằng đất sét nung, có hai phần rộng, phần rộng phía trước là phần lò lửa, trên miệng có gắn 3 cái chấu (ông táo) để bắc nồi ơ, phần rộng thứ hai là chỗ chứa củi đang chụm. Phần rộng này cũng là nơi chứa tro và than đỏ để làm thành cái bếp nướng (nướng kẹp tre).

((“Đây là kiến trúc lò thông dụng ở tất cả những ngôi nhà nền đất Hậu giang (Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau). Lò có đáy là để tránh hơi ẩm từ lòng đất rút vào củi lúc đốt lửa. Kiến trúc lò này cũng thích ứng để sử dụng “đất cháy” của vùng Cà Mau, khi sử dụng đất cháy, phần rộng thứ hai được dùng làm nơi hâm đất cho thoát hơi nước trước khi đưa vào vùng lò đốt (phần rộng thứ nhứt). Kiến trúc “cà ràng” cũng được thông dụng trong tất cả những nhà sàn vùng Tân Châu, Châu Đốc…, ở nhà sàn, cái đáy của cà ràng còn giữ vai trò bảo vệ cái sàn chống hỏa hoạn, kiến trúc cà ràng cũng rất thông dụng trên những chiếc ghe của dân chài lưới, hoặc những ghe có người sống như nhà lưu động, hoặc nhà hàng lưu động. Cà ràng là một trong những biểu tượng của văn hóa hội nhập suốt từ thời khai hoang miền Nam cho tới những năm 70 của thế kỷ 20.” (7).))

Cà ròn. Khm: karông = một loại bao nhỏ đa dụng, đan bằng sợi bàng có thể chứa đựng khoảng 20 đến 40 lít, thông dụng nhứt là cà ròn 1 giạ (40 lít); trong lúc bao “bố tời” (chữ Việt gốc Quảng Đông) là loại bao lớn (3 giạ, 120 lít) dùng đựng gạo.

Chắc Cà Đao: tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Học giả Vương Hồng Sển (6), ghi lại hai giải thích là:
Theo ông Nguyễn văn Đính, thì địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khm chắp kdam (= bắt cua) mà ra vì vùng nầy xưa kia có nhiều cua.
Theo nhà văn Sơn Nam (5), Chắc Cà Đao do chữ Prek Pedao; Prek = rạch; pédao = loại dây mây; rạch có nhiều dây mây.
Học giả VHS nói ông nghĩ rằng giả thuyết của Nguyễn văn Đính hợp lý hơn.

Cà rịt (rịch?) cà tang: từ từ, không gắp rút. Khm: krich, k-krich.

Cà tăng: (Khm ?) cái phên bằng tre dùng làm vách ngăn phòng, hay vách bao vòng quanh, đường kính vài mét, cao khoảng 1 đến 2 mét để ví (đựng) lúa, còn gọi là cái “bồ lúa”.
Cà tong: ốm tong teo. Khm: kr-taong = cà tong cà teo.
Cà thọt: (đi chân thấp chân cao). Khm: kòn chọt = xiêu vẹo.

B. BÀI THƠ TÌNH CÀ

Khi viết gần xong bài về chữ “cà” đa dạng của dân ta (phải cần đôi ba ngày/tuần/tháng, mới viết xong một bài, vì có khi viết được vài câu thì lại phiêu lưu sang các web sites . . ., hoặc đi làm chuyện khác ! ! ! ) tôi nhận được một e mail do một người cháu FWD (forward) từ một người cháu khác (tôi có sơ sơ vài chục cháu), không thấy để tên tác giả.

Bài thơ thật đúng “ngám” vào bài tôi đang viết, hay quá, chộp ngay. Gọi phone hỏi cháu về tên tác giả, cháu nói rằng nó cũng nhận qua FWD của một người bạn khác, cũng FWD đến nó. Không biết trên con đường FWD nầy (hiện là một trend trong việc thông tin mạng lưới) ai đã copy và FWD tiếp mà sơ ý thiếu tên tác giả. Vậy xin tác giả cho phép dùng bài thơ để dùng vào trong bài “chữ cà” đa dạng của dân ta. Tôi để bài Tình Cà vào đoạn giữa bài, tiếp theo là bản liệt kê những chữ “cà” trong tiếng Việt.

TÌNH CÀ

Anh cà tửng nên quen em cà chớn
Anh cà phê, cà pháo, em cà chua
Tình cà giựt, cà rem phơi nắng trưa
Em cà khịa đòi anh mua cà rá.

Anh cà nhong không đi làm gì cả
Thân cà tàng chỉ có khẩu cà nông.
Em cà rỡn le lưỡi giống cà rồng
Nên tình mãi cà bông hạch cà đụi

Anh cà rề chờ đón em mỗi tối
Cùng sánh vai cà thọt tới cà ri
Em cà sàng lại chỉ muốn ăn mì
Đành cà rịt cà tang đi quán khác

Cà khịa hoài anh chưa thể kiếm chác
Nên cà khùng chửi em giống cà na
Chộp cà mên em dộng anh dập cà
Tình cà đong cà đưa xa từ đó.

Em thù anh đi lên đèo Cà Ná
Anh buồn tình xuống tận xứ Cà Mau
Cà nhỏng hoài chưa tìm được tình sau
Thân cà tong cà teo sầu cà chớn.
(Tác Giả?)

Trước hết bài thơ có dùng vài chữ cà gốc ngoại quốc rất bình dân như:

Gốc Khm > cà chớn, cà kê, cà rề, cà thọt v.v.
Gốc Pháp > cà mên, cà nông, cà rem.
Gốc Ấn > cà ri.

Kế đến tác giả dùng một vài chữ rất dí dỏm theo nghĩa bóng: cà nông, dập cà; và vì: cà khịa hoài anh chưa thể . . . “kiếm chác”. . .
Và sau hết tác giả dùng khá nhiều chữ cà khác rất thông dụng, vừa dí dỏm, lại diễn tả một chuyện tình thật là . . . cà chớn.

BẢNG LIỆT KÊ MỘT SỐ
NHỮNG CHỮ ĐÔI CÓ CHỮ CÀ

(trừ những chữ ở phần A)

[(Danh sách sắp xếp theo phân loại và theo thứ tự a, b, c, trong mỗi loại; những chữ đã dùng trong bài thơ bên trên được ghi đậm (bold); những chữ nầy có giải thích đơn giản. Ngoài ra, những chữ cà gốc ngoại quốc ghi ở phần B].

a. Hành động, nơi chốn, cử chỉ, hình dáng:

Cà: làm cho mòn, làm cho nhỏ, nát ra: cà nhỏ, cà nát, cà nhuyễn, cà cho bóng láng.

Cà : kìa. Ví dụ anh ấy đứng đàng kia cà (kia kìa).

Cà bơ cà bất (cù bơ cù bất): có vẻ xơ xát.

Cà ạch cà đụi (cà hạch cà đụi): có vẻ nặng nhọc.

Cà chía: điệu nhạc giật có nguồn gốc Triều Châu .

Cà đong cà đưa: đong đưa qua lại, không rõ ràng, không nhất định ở phía nào, phe nào.

Cà huynh cà hoang (dáng đi). Hai cánh tay đánh đòng xa dang ra xa khỏi thân mình trong lúc đi một cách chậm chạp, tỏ vẻ quan trọng, bệ vệ.

Cà khật, cà khật cà khùng = cà khật cà khẹo: không bình thường.

Cà khao, cà kheo, cà khêu: cách đi, dáng đi khi dùng khúc gỗ để cao hơn .
Cà khịa: có vẻ gây gổ trong lúc nói chuyện.

Cà lăm, cà lăm cà lặp: nói lập đi lập lại một tiếng (một chữ) nhiều lần, với khoảng cách xa trước khi nói thêm tiếng khác.

Cà lắp cà bắp: nói không được suôn sẻ, lập đi lập lại câu nói nhiều lần.

Cà lơ, cà lơ xít xụi: trù trừ, không làm một việc gì rõ ràng, không có quyết định rõ rệt.

Cà mèng: xấu, xoàng, tệ.

Cà nhắc: đi không tự nhiên với hai chân bước không bằng nhau vì một chân bị đau.

Cà nhắp cà nhắp hay nhắp nhắp: giật nhè nhẹ; cà nhắp cần câu cho mồi di chuyển, hy vọng cá thấy mồi và cắn mồi.

Cà nhom: ốm nhom, gầy yếu.

Cà niểng: dáng đi có khi nghiêng hay xiêu vẹo một bên.

Cà răng căng tai: một phong tục liên hệ đến quan niệm về sắc đẹp,của một số sắc dân ở Phi Châu (Africa) và một số sắc dân ở cao nguyên Việt Nam. Họ dùng vật cứng, giũa hay cà cho răng mòn gần sát nướu răng(lợi răng), và căng trái tai ( phần thòng của vành tai, nơi thường dùng đeo nữ trang), cho xệ xuống, càng dài càng được xem là đẹp.

Cà rà: lẩn quẩn gần sát một bên.

Cà riềng: nói nhây = cà riềng cà tỏi. (riềng và tỏi là tên hai loại củ, dùng chung để chỉ sự cằn nhằn, sự nói nhây, nói lòng vòng về một việc gì.

Cà rón cà rén: đi một cách rụt rè e ngại như sợ người khác nhìn thấy.

Cà rồng = cà bông: đi lang thang không mục tiêu.

Cà rỡn: nói đùa, nói giỡn, nói nửa thật nửa chơi.

Cà sàng: đổi ý, đổi hướng.

Cà tàng = cà xóc : làm phách, làm tàng, kiêu căng, hỗn láo.

Cà tong 1= cà tong cà teo: ốm

Cà tong 2: tên một loại hươu cao cổ.

Cà tửng: nhảy lên, xuống nhiều lần ở cùng một chỗ, không di chuyển.

Cà thẻ: tiếng Việt mới do dân Việt ở Hoa Kỳ chế ra. Nó bắt nguồn từ cái thẻ credit card hay còn gọi là thẻ nhựa. Cà thẻ hay kéo thẻ = người bán hàng dùng dụng cụ “cà” bánh xe cao su trên thẻ nhựa của người mua để in số thẻ vào biên nhận, và người mua phải ký tên vào xác nhận dịch vụ và số tiền phải trả, (sau nầy khi có loại dụng cụ có cái khe, người mua “kéo” cái thẻ nhựa qua cái khe, để dụng cụ đọc số thẻ > kéo thẻ).

Cà ùm cà ùm: tiếng cọp gầm.

Cà vom: một loại ghe hay thuyền dài, nhưng bề ngang hẹp, thường chỉ có chèo ở sau phần lái.

Cà xiểng cà niểng: dáng đi nghiêng qua một bên, hay nghiêng qua nghiêng lại.

Cà xóc: (xem cà tàng)

Cà xom: đi khom lưng tay không đánh đòng xa.

Cà trật cà vuột: chuyện làm gặp trở ngại, chưa thành công.

Dập cà: trái cà bị dập, trong bài thơ trên, tác giả dùng chữ cà để chỉ ngọc dương.

b. Thực phẩm/Động vật/Thảo mộc:

Cà cuống: động vật có mình dẹp, giống loài bọ xích, có chất nước mùi thật đặc biệt, dùng nêm vào nước chấm hay thực phẩm khác. Thành ngữ: Cà cuống chết đến đít còn cay = người già rồi mà tánh tình còn khó khăn, mưu mô; cũng có nghĩa chết rồi mà còn để tiếng lại (là người đặc biệt về một chuyện gì).

Cà cưỡng: Theo Tự Điển Việt Nam (3) cà cưỡng còn có tên là sáu sậu, một loài chim “bước đi hoặc nhảy, biết nhái tiếng người”. Chúng tôi đồng ý với Ts Phan Tấn Tài là dân Lục Tỉnh quen gọi nó là con cưỡng (không có chữ cà ở trước), con nhòng hay con sáo.

Nhưng ngày xưa (trước thập niên 1950, có câu ca hát về các loài chim:
Cha mẹ sáo, đẻ sáo ra …
Sáo bỏ quê hương đi về xứ khác . . .

Người ta bắt đặng, (hăm he)
Chặt cổ nhổ lông
Sáo nói: Lạy ông, lạy cha
Tôi là con sáo,
Hay kiện hay cáo là con bồ câu,
Lót ổ cho sâu là con cà cưỡng,
Chân đi lưỡng thưỡng, là con cò ma . . .

Vậy phải chăng sáo và cà cưỡng là hai loại chim khác nhau? Ai biết rõ hơn xin bổ túc giùm. Đa tạ.

Chữ cà liên hệ đến các loại cây cà cho quả ăn sống, làm dưa chua hoặc mặn (cà muối), hoặc ăn nấu chín, hoặc cho đậu làm thành thức uống; tùy theo hình dạng có các loại sau: cà bát, cà chắc, cà chua = cà tô mát, cà dái dê, cà dĩa (cà bát), cà dừa, cà độc dược, cà hung, cà na, cà pháo, cà phê, cà tím.

Cà đuối: tên một loại thảo mộc, gỗ cứng; nhiều công dụng như: làm sườn nhà, sườn xe, đà đường sắt xe lửa, đóng ghe thuyền (6).

Cà Láng: cà nổi tiếng ngon ở một địa danh tên Láng ở miền Bắc Việt Nam. Ca dao:
Dưa La, cà Láng, Nem Báng, tương Bần
Nước mấm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.

Cà phê cà pháo: tiếng cà phê có thêm chữ cà pháo (tiếng đệm) cho có vần điệu.

Xốt cà: nước xốt (sauce) = nước chấm làm từ cà chua.

c. Vật dụng (xem một số chữ ở phần A.)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
SÁCH
1. Bình Nguyên Lộc (1971). Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Nxb Xuân Thu xb lại ở HK, Los Alamitos California, USA. (không thấy đề năm nào).
2. Lê Ngọc Trụ (1993). Tầm-nguyên tự điển Việt-Nam. Nxb TP Hồ Chí Minh. VN.
3. Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức (1970). Việt Nam Tự Điển, nxb Khai Trí SG/VN
4. Nguyễn Hy Vọng (2005). Tự điển nguồn gốc tiếng Việt. CD, Tác giả phát hành. California, USA.
5. Sơn Nam (1968 (?). Lịch sử khai hoang Miền Nam. Nxb Lá Bối, Sài Gòn, VN
6.Vương Hồng Sển (1993). Tự vị tiếng Việt miền Nam. Nxb Văn Hóa, Tp Hồ Chí Minh, VN.
TƯ LIỆU :
7. Phan tấn Tài (sưu tầm và gởi qua email): Bản đối chiếu tên khoa học, tên VN, và tên Khm một số thủy sản ở miền Nam; một số tên các loại thảo mộc.

Chọi Chữ

Hồi lớp đệ thất (lớp sáu) học sinh chúng tôi có trò chơi lúc đầu gọi là trò làm tự điển, sau gọi là “chọi chữ”. Trò này lấy chữ mà chơi, ai nhiều chữ nấy thắng. Cách chơi khá đơn giản. Cứ đề ra chữ nào đó mỗi đứa lấy giấy bút ra kê, xong đếm lại, ai nhiều hơn sẽ thắng. Ví dụ: Lấy chữ “cà”:
-Cà phê, cà ri, cà rà , cà rá, cà cuống, cà rốt, cà sa, cà rỡn, cà nhắt, cà khịa, cà mèn… cà riềng tỏi, cà kê dê ngỗng, cà lăm cà lặp, cà răng căng tai…

Tôi có thằng bạn tên Đạo, thằng này có biệt tài chọi chữ. Lần nào chơi nó cũng thắng, Nó có những từ rất đặc biệt, có khi người khác cãi, nó đem từ điển tới, ai cũng chịu. Nó có một chữ “cà” hết sức lạ lùng là “cà ràng”. Từ điển lớn và mới nhất mới thấy ghi từ này: Đó là thứ lò đất nung dùng trên ghe thuyền ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lò gồm ba ông táo nhỏ gắn trên cái đế bằng đất nung. Miền Nam có thành ngữ cà rang cà đụng. Thằng Đạo có vốn từ giàu chẳng ai bằng. Từ ngữ ba miền, mới cũ nó đều thông.
Trò chọi chữ khởi đi từ lớp tôi lan sang những lớp khác. Thế là mỗi lớp thành lập đội tuyển chọi chữ. Đội thường có ba thành viên. Năm ấy Đạo, Lê và tôi được cả lớp tín nhiệm cử đi thi đấu với lớp Đệ ngũ bốn, nghĩa là lớn hơn lớp tôi hai năm. Đây là cuộc thi không cân sức thế nhưng đội tuyển lớp tôi đã thắng.

Muốn chọi chữ giỏi phải có chữ nhiều. Có vốn từ phong phú, mà vốn từ chính là vốn sống. Chúng tôi những cậu bé mười lăm, vốn sống chưa đựng đầy chiếc túi nhỏ, lấy chữ đâu mà chọi. Hồi đó nhà tôi có quyển Từ điển tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức. Quyển sách bọc bìa vải đen, khổ to và dày, ôm không nổi, làm sao học cho hết? Thằng Đạo bày : “tìm chữ lạ mà học” Ôi không biết bao nhiêu chữ nghĩa làm sao học. Tuy chỉ mới lớp sáu nhưng trình độ học sinh thời đó đã khá nên chúng tôi biết liệt kê theo cách các nhà làm từ điển, theo A,B,C…

Học sinh thời nào cũng có nhiều trò chơi, hầu hết những trò chơi đó đều bị thầy cô và nhà trường cấm. Tiếng trò chọi chữ là trò chơi trí tuệ, có lợi cho môn văn và nhất là lại có cái lợi thiết thực khi chơi trò này trong lớp bớt náo loạn ồn ào nên được nhà trường khuyến khích.

Thường vào cuối tháng năm đầu tháng sáu, khi kỳ thi đệ nhị tam cá nguyệt (học kỳ 2) đã xong, không khí học tập có phần uể oải, lơ là, thầy cô cũng nới tay, đó là lúc trò chọi chữ nở rộ. Chiều hôm ấy học sinh tổ chức cuộc thi chung kết chọi chữ giữa lớp Thất Ba đấu với Ngũ bốn. Chữ bốc thăm đem ra chọi là chữ “Ăn”, một chữ rất giàu có của tiếng Việt:
-ăn thề, ăn vạ, ăn gian, ăn mày, ăn xin, ăn hiếp, ăn sương… ăn xổi ở thì, ăn tươi nuốt sống, ăn vóc học hay, ăn mặn nói ngay, ăn xem nồi, ăn không ngồi rồi, ăn nên làm ra…

Đội Thất ba thắng đội ngũ bốn nhờ có ba chữ ăn thuộc loại quái chiêu : ''ăn ong'' ( đi tìm mật ong), ''ăn đàng sóng nói đàng gió'' (nói năng ngang ngược), ''ăn lông ở lỗ''. Công đầu thuộc về thằng Đạo. Chữ nó nhiều vô số kể.

Tôi đinh ninh sau này thằng Đạo thế nào cũng làm nghề nghiệp gì liên quan đến chữ nghĩa. Nó sẽ thành nhà soạn từ điển. Tôi tin từ điển hắn soạn ra chẳng thiếu chữ nào. Thằng Đạo làm luận hay lắm. Bài hắn kỳ nào cũng được thầy đọc cho cả lớp nghe. Hắn còn giỏi văn nghệ, làm thơ, viết bích báo. Hắn là một học sinh kiểu mẫu mà thầy cô lấy ra làm gương cho chúng tôi noi theo.

<mime-attachment.jpg>
“Xã hội” học trò chỉ có hai “giai cấp” là học giỏi và học dở. Hai nhóm này chẳng cố định và cũng chẳng thấy có đấu tranh gì gay gắt cả. Tháng này học nhiều, đứng cao, tháng sau lười biếng rơi xuống cuối sổ trở thành nhà lực sĩ đội trên đầu bốn mươi bạn đồng lớp, thế là chuyển từ giai cấp này sang giai cấp kia.

Học xong ra đời chẳng thế. Cuộc đời tàn nhẫn hơn. Với sự có mặt của gia thế, nó đóng đinh số phận con người vào một vị trí nhất định và trừ khi có phép lạ mới nhảy từ cấp dưới lên cấp trên. Thế nhưng rủi ro sơ sảy, chỉ trong chốc lát rơi tới đáy lầm than!.

Ra đời mỗi học sinh một hoàn cảnh. Có kẻ học rất giỏi lại chẳng ra gì. Có đứa học dốt lại kiếm được chỗ đứng trên cao. Tôi thuộc hạng này. Thuở còn đi học tôi học hành tầm thường thế nhưng khi vào đời lại làm vị quan toà xét xử và định đoạt số phận kẻ khác.

Có lần xử án, cảnh sát lôi từ xe bít bùng xuống một người đàn ông, đẩy hắn tới trước vành móng ngựa. Tôi ra lệnh mở còng. Trông hắn rách rưới thiểu não, tồi tệ. Hắn bị đưa ra toà về tội ăn trộm. Một tên trộm hạng bét, tầm thường. Tôi bảo hắn khai tên họ, tuổi tác, nghề nghiệp, chỗ ở. Khi hắn ngẩng đầu lên tôi đã ngờ ngợ, nhưng chưa tin vào mắt mình. Tại sao trông hắn giống như thằng Đạo, vua chọi chữ cách đây hai mươi năm thời chúng tôi còn là học sinh ngồi chung bàn? Tuy giờ đây cuộc sống nhọc nhằn đã khiến cho hắn già cả tiều tuỵ. Tôi tự nhủ: ''Lẽ nào người này là thằng Đạo, thằng học trò thông minh học giỏi, hạnh kiểm tốt, đầy tài năng lại chịu cảnh khốn cùng đến nỗi đi vào ngõ cụt như thế này?'' Tôi nhận ra hắn nhưng hắn vẫn chưa ngước lên nhìn tôi. Cũng khó mà nhìn ra tôi. Ngày trước tôi là cậu học sinh ốm o và nhỏ con nhất lớp song giờ đây tôi đã trở thành vị quan toà phương phi bệ vệ, mặc áo choàng đen ngồi trên chiếc ghế uy nghi. Chung quanh tôi là một quang cảnh đầy sự tôn kính và đang làm cái công việc định đoạt cho số phận con người nhỏ nhoi hèn mọn đang đứng trong vành móng ngựa dưới kia. Tôi hỏi:

-Tên họ?
Hắn ngẩng lên nhìn tôi. Hình như hắn cũng có tâm trạng như tôi, nghĩa là lẽ nào thằng bạn ngày xưa lại là người xét xử hắn. Hắn cúi xuống, không trả lời. Tôi giục:

-Họ và tên, khai đi!
Và hắn ngước nhìn lên một lần nữa. Bây giờ chẳng còn nghi ngờ gì. Chúng tôi đã nhận ra nhau trong một tình cảnh cực kỳ oái oăm và khó xử cho cả hai. Tôi đùa:

-Này “vua chọi chữ”…
Hắn hỏi:
-Cái gì? Nhái bén chàng hiu (biệt hiệu của tôi thời học sinh)?
Tôi nói:
-Có một chữ rất dễ…
Hắn hỏi:
-Chữ gì?
-Tên họ của mình…

Hắn buồn bã lắc đầu. Hình như hắn không muốn đem cái chữ “đạo” ra chọi với cuộc đời, với hoàn cảnh éo le bây giờ. Hắn muốn giữ cái tên tuổi tốt đẹp đó cho quãng đời học sinh tuyệt vời ngày trước mà thôi. Tôi cố ép hắn:

-Này vua chọi chữ đừng có giấu nữa. Lấy chữ Đạo ra chọi nhé – và rồi tôi ứng khẩu đọc một lô – đạo diễn, đạo sĩ, đạo đức, đạo hạnh, đạo đồng, đạo mạo…

Hắn nói:
-Thiếu hai chữ.
-Hai chữ gì?
Hắn cười:
-Đạo chích, đạo tặc!

Hắn không xin giảm án. Hắn không chịu nhún mình. Hắn vẫn giữ được tính cách cao ngạo dễ thương thời còn đi học. Hắn lãnh án. Đưa hai tay ra cho người ta còng, bước ra, vừa đi vừa cười.

NNH Sk......


--


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email Địa chỉ AIM
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI