Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Trái Tim Trong Cây Đàn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Ba 4 02, 2013 1:42 am    Tiêu đề: Trái Tim Trong Cây Đàn Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Trái Tim Trong Cây Đàn
Hoàng Thủy Biển

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu,
Một trăm năm đô hộ giặc Tây,
Hai mươi năm nội chiến từng ngày,
Gia tài của Mẹ để lại cho con . . . .

Đó là những lời ca đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi đã nghe năm tôi lên mười một hay mười hai tuổi. Ở tuổi ấy, cùng với những bài học sử địa về đât nước, những lời ca ấy đã gieo mạ vào tâm hồn tôi niềm yêu thương tổ quốc mình--một mảnh đất gầy guộc trầm luân trong thống khổ. Bài ca ấy, cho tới bây giờ mỗi lần nghe lại, tôi vẫn hằng tin rằng quê hương và đồng bào tôi đáng được Thượng Đế đoái hoài xót thương. Ca khúc Gia Tài Của Mẹ còn mang nội dung của một thông điệp nhắc nhở tôi về thân phận nhược tiểu của mảnh đất hình chữ S. Ý thức về nỗi nhược tiểu của đất nước là một ý thức buồn bã và cay đắng, nhưng nhờ đó lại bảo tôi nên yêu thương quê hương mình hơn nữa.

Bất cứ một người nào để lại trong lòng tôi những dấu ấn sâu đậm như thế thì người ấy, với tôi, là một nghệ sĩ chân chính và đích thực. Trịnh Công Sơn là người viết ca khúc (songwriter) mà tôi ngưỡng mộ nhất. Vì trong thùng cây đàn gỗ của Trịnh Công Sơn, tôi tin, có chứa một trái tim khác và lớn hơn của anh. Và, vì thế, khi nghe tin anh tạ thế, tôi cảm thấy xót xa khi đất nước và cuộc đời lại mất thêm một nghệ sĩ tài hoa yêu quê hương như thể yêu mình. Và tôi thương tiếc.

Mẹ đã để lại gì?
Gia Tài của Mẹ là một nước Việt buồn. Nước Việt vẫn còn buồn. Buồn hơn. Biết tới bao giờ và có bao giờ đồng bào tôi biết cộng những nỗi buồn nhỏ, riêng lại thành một niềm vui lớn, chung?

Và gia tài của Mẹ đã để lại gì?
Mẹ đã để lại những dòng nhạc chảy xiết vào tâm hồn người và tâm hồn tôi. Những dòng nhạc của Văn Cao, của Phạm Duy, và của Trịnh Công Sơn sẽ như nước sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long nghìn đời sau vẫn chảy.

Mẹ thương mẹ đã sinh ra cho đời ba người con tài hoa, nhưng thần chết đã lấy mất đi hai người (khi viết bài này hơn mười năm về trước thì nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn tại thế). Hoan hô những tiếng đàn lời ca dạy con người biết yêu thương. Đả đảo thần chết!

Không có một bài viết nào, và ngay cả một cuốn sách dày như cuốn Đại Từ Điển Anh-Việt cũng không đủ để nói về một tài năng văn nghệ lớn như Trịnh Công Sơn. Vì lẽ ấy, bài viết này chỉ là một nén nhang của một kẻ ái mộ thắp lên mộ một trái tim vừa ngừng đập. Một trái tim lớn. Và nhạy cảm như những sợi dây đàn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã vĩnh viễn từ bỏ quê hương đất nước, vĩnh biệt thế gian bay về một cõi khác. Cõi nào? Niết Bàn hay Thiên Đàng? Biết đâu cả hai tên gọi đều chỉ một cõi chung thôi. Đã có nhiều chia buồn với thân nhân anh, và nhiều nguyện cầu cho linh hồn nhạc sĩ sớm phiêu diêu miền cực lạc. Riêng tôi cầu mong anh chóng về Nước Chúa. Tôi tin anh sẽ về chốn vĩnh phúc ấy. Tại sao tôi tin như thế? Vì những nghệ sĩ sáng tạo chân chính là những kẻ đã vác thánh giá của chính mình và còn vác thêm cái thánh giá của đời sống khi còn tại thế rồi. Làm kiếp ve sầu ở dưới thế này là đã trả nợ với lãi suất nặng thì phải được đền bù hưởng an lạc ở trên trời. Anh sẽ về nhanh, về thẳng, không phải dừng lại ở một trạm kiểm tra khám xét nào, không phải bị lưu giữ để bị hỏi cung về những ca khúc được cất lên tiếng tim đập của chính anh. Dầu khi còn ở thế gian này, anh đã hứng rất nhiều lưỡi lê ngộ nhận và mã tấu cáo gian từ nhiều phía chém, đâm xuống thân phận anh. Tôi chưa hề nghe anh lên tiếng thanh minh cho những ngộ nhận và cáo gian mà tha nhân rộng lượng biếu tặng anh. Có lẽ anh thấy không cần thiết, và đã chọn thái độ im lặng hàm ý một chịu đựng như một câu trả lời. Và bây giờ thì lại càng không cần thiết vì thân xác anh đã vượt ra khỏi cảnh giới nhị nguyên tương đối để linh hồn chắp cánh thiên thần bay về cõi nhất nguyên tuyệt đối.

Anh đi; anh để lại một đất nước nghèo khổ, bất công, tụt hậu, và chuyên chế cho chúng ta tự suy gẫm. Anh đã để lại một số lượng ca khúc (hơn sáu trăm bài--kinh thật!) mà mỗi ca khúc đều có khả năng gây xúc động người nghe, và khiến người nghe lắng lòng xuống để nhìn lại quê hương và nhìn lại chính bản thân mình.

Suốt một đêm, sau khi nghe tin anh từ trần, tôi đã nghe lại nhiều CD nhạc của Trịnh Công Sơn. Và tôi đã nghe được tiếng của một dòng sông chảy miên man yêu thương. Anh yêu quê hương Việt Nam ngợp trời khói lửa và đổ vỡ tan hoang. Anh yêu xác thân bụi đất với buồn vui kia là một. Yêu sông núi mặt trăng mặt trời, yêu hoa lá cỏ cây chim muông. Yêu từ đàn bò vào thành phố yêu tới chiếc ghế đá công viên dời ra đường phố. Và tất nhiên, trước hết và trên hết, anh yêu em.

Trong một băng video về chủ đề nhạc Trịnh Công Sơn, anh đã nói sống ở đời nên yêu thương nhau và đối xử với nhau cho tử tế (đối xử với nhau cho tử tế--dễ nói khó làm). Ai cũng có thể "phán" một câu tương tự như thế. Có thể lời nói ấy bật ra từ một trái tim rung động, cũng có thể lời nói ấy là son phấn trang điểm môi mép của những kẻ giả hình. Nhưng lời Trịnh Công Sơn đã chạm lòng tôi vì những lời ca như lời thơ vắt máu từ trái tim anh làm chứng. Những giọt máu anh đã trổ bông và kết hoa trái tình yêu.

Trịnh Công Sơn đã nói giùm tôi, và đã nói giùm cho nhiều người khác về cuộc chiến tàn khốc tưởng như không bao giờ kết thúc. Trịnh Công Sơn đã nói giùm tôi, và có thể đã nói giùm cho nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên quê hương khói lửa đạn bom. Anh đã nói hộ cho tuổi trẻ cả hai miền. Tuổi trẻ miền Nam lắng nghe tiếng nhạc lời ca của anh trong những sân trường đại học, trong các quán cà-phê khắp mọi nẻo đường góc phố của một miền Nam chưa bị nhuộm đỏ, và trong những sinh hoạt tập thể, v.v. Tuổi trẻ miền Bắc trước 30/04/1975 không có được cái may mắn của tuổi trẻ miền Nam, ở một chừng mực nào đó, được nói và được nghe cảm nghĩ và suy tư mình. Rất có thể, sau 30/04/1975, tuổi trẻ miền Bắc đã nghe nhạc và yêu mến lời ca của anh. Như nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong lời bạt cho Trịnh Công Sơn trong Tuyển Tập Những Bài Ca Không Năm Tháng: "Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa." Đó là một cuộc gặp mặt của hai tâm hồn. Một cuộc gặp mặt của hai nghệ sĩ đồng điệu đồng cảm như hai nhánh sông hợp lưu cùng đổ ra biển. Và khi viết những dòng ấy Văn Cao, một nhà nghệ sĩ đa tài và tài hoa, đã nói hộ cho tuổi trẻ miền Bắc không có phương tiện hoặc không dám mở miệng nói lên ước mơ và suy tư họ.

Tôi và bạn bè may mắn hơn. Tuổi trẻ chúng tôi, không hề nuôi ảo tưởng làm ca sĩ chuyên nghiệp hoặc có ý hát rong ăn mày bạc lẻ, đã hát cho nhau nghe nhạc của anh trên rừng rú khi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao,/Vác những cây rừng to/Về nơi đây ta xây dựng nhà,/Dựng nhà mới cho dân ta về . . . Và ở bên ngoài tổ quốc thỉnh thoảng chúng tôi nghe và hát nhạc của anh. Tôi tin môi người Việt Nam bất cứ ở đâu mai sau vẫn còn hát những ca khúc ca ngợi tình yêu của anh (dù lời tỏ tình là lời buồn thánh, dù tình yêu dễ vỡ như nắng thủy tinh).

Không chỉ qua những tình khúc Trịnh Công Sơn mới ca ngợi tình yêu mà ngay cả trong những ca khúc pha mầu siêu hình thao thức khắc khoải về thân phận con người, anh cũng đã thầm nhắn nhủ rằng khi con người nhận ra thân phận tro bụi của kiếp người thì biết đâu con người sẽ đối xử với nhau tử tế hơn, thân ái hơn. Khi nhắm mắt, xuối tay, thẳng cẳng nằm trong quan tài thì mọi hận thù to nhỏ, mọi tham vọng điên cuồng cũng đành tẩm liệm theo thây ma. Ca khúc Cát Bụi là những khổ thơ Phúc Âm (Tin Mừng) được chuyển ngữ dưới dạng bay bướm thi ca ngôn ngữ Việt.

Thêm nữa, Trịnh Công Sơn còn ca ngợi tình yêu trong những ca khúc về quê hương chiến tranh. Anh đã lên án chém giết dù chém giết mang mặt nạ dưới danh nghĩa nào, đội dưới bất kỳ cái mũ chủ nghĩa nào. Đó là sự lên án nhẹ nhàng của một đôi mắt biết nhỏ lệ trước nỗi đau khổ của những người cùng mầu da cùng tiếng nói. Đó cũng là tiếng kêu thất thanh, tuyệt vọng của một trái tim run sợ cho sinh mệnh dân tộc về một nguy cơ diệt vong.

Không. Không phải. Đó là những ca khúc phản chiến (cụm từ phản chiến có nghĩa tiêu cực, làm lợi cho một phe và làm hại cho một phe khác, chứ con người bình thường ai mà thích chiến tranh, ngoại trừ những kẻ thích lên ngai vua.) Nhiều người lên án những lời ca của TCS là một thứ cộng sản nằm vùng trong trái tim của những người lính VNCH, một thứ vi trùng làm suy yếu tinh thần chiến đấu khiến người lính không thể vác súng, bấm cò, khạc đạn được. Và vì thế Dương Văn Minh (vị thổng thống nhiệm kỳ ba ngày) đã đầu hàng. Đây là suy nghĩ chung của một số người. Đó là kiểu tư duy đổ lỗi chạy tội. Như nhiều người đã đổ lỗi tại Mỹ (và vẫn cứ thích qua Mỹ dù phải đi bằng đầu gối hoặc phải nằm ngửa). Lỗi tại anh, hay lỗi tại Mỹ, chắc chắn không phải lỗi tại tôi.

Nếu nhạc quê hương có tính phản chiến thì đó là tính phản chiến nặng lòng với tổ quốc, và đau lòng trước những xác chết vô tội hay có tội, trước những khu phố đổ vỡ tan hoang khiến nhạc sĩ phải mềm lòng cất lên những lời cảnh báo. Trịnh Công Sơn lo sợ cho tiền đồ của đất nước. Anh lo sợ mảnh đất tổ tiên để lại đang biến thành võ đài cho những siêu cường đọ sức thử lửa (và biết đâu là bãi tập bắn để thí nghiệm vũ khí), và những võ sĩ hung hăng như gà nòi Bắc Bộ Phủ đang mượn thế để lên ngôi.

Nếu nhạc Trịnh Công Sơn nghe mùi phản chiến thì đó là phản chiến trí thức. Thế nào là phản chiến trí thức? Lời ca trong nhạc "chống chiến tranh" của anh là nỗi niềm suy tư khắc khoải có thể nói thay cho nỗi thao thức của giới sinh viên và niềm ước mơ của người lính. Nhạc Trịnh Công Sơn, dù thể loại nào: tình yêu đôi lứa, thân phận con người, hay nỗi đau quê hương, có lẽ không thích hợp với loại người dễ ngủ nhưng có thể được hâm mộ với những kẻ thức đêm. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn là phải nghe bằng trái tim. Đó là cuộc đối thoại giữa những trái tim không chỉ là những cái máy bơm máu.

Sống trong một quê hương triền miên khói lửa cơ hồ không bao giờ tắt, vẫn có nhiều người viết ca khúc khác không chịu núp vào trong mùng mền ca tụng tình yêu trai gái. Họ cũng đã cất lên những lời ca ta thán hoặc lên án chiến tranh. Ngay cả một tài năng lớn như nhạc sĩ Phạm Duy cũng không thể quay lưng ngoảnh mặt với cuộc chiến. Chúng ta hãy nghe những dòng nhạc của Phạm Duy, qua thơ của Linh Phương, trong bản nhạc Kỷ Vật Cho Em:

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại?
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngả,
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa.
Anh trở về trên chiếc băng ca,
Trên trực thăng nhuộm mầu tang trắng.


Phản chiến không? Sĩ quan QLVNCH có thể sẽ rất ngại về phép thường niên thăm người yêu với tư thế nằm dài thẳng cẳng (nếu còn nguyên vẹn hai cẳng) trong hòm. Đó là cuộc về phép vô thời hạn, không bao giờ trở lại đơn vị.

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trờ lại?
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng,
Poncho buồn liệm kín đời anh.
Anh trở về, bờ tóc em xanh,
Chít khăn sô trên đầu vội vã.


Phản chiến không? Mười lần phản chiến hơn bất cứ ca khúc phản chiến nào của Trịnh Công Sơn. Khổ thơ này khiến người nghe có thể nghĩ rằng anh yêu em có khi chưa một lần đi sâu vào trong em đã vội vàng đi ra ngoài thế giới. Bản nhạc khiến người lính lạnh cẳng, e phải đào ngũ thôi.

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trờ lại?
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về trên đôi nạng gỗ;
Anh trở về bại tướng cụt chân;
Anh trở về dạo phố mùa xuân,
Bên người yêu tật nguyền chai đá.
Anh trở về dang dở đời em.


(Cụm từ mai mốt anh về cũng có nghĩa là chả biết khi mô anh về. Một ngày tháng mơ hồ trong tương lai không bao giờ hiện hữu.)

Ca sĩ Thái Thanh, bằng chất giọng hiếm quý và cao sang của cô, như có quyền phép biến ca khúc này thành một bài kinh cầu hồn. Nghe ca khúc này xong, nhiều sĩ quan muốn quăng mẹ nó súng ống vào bụi bờ nào đó, dọt lẹ về thành phố để dạo phố với em với nguyên vẹn cả hai cẳng và với tâm hồn chưa chai đá. Chứ về bát phố với người yêu hậu phương với bông mai gắn trên ve cổ áo, và với một hoặc hai cái nạng gỗ gõ lóc cóc xuống mặt hè phố nghe như tiếng gõ mõ tụng kinh điếu tang cho một tình yêu. Cảnh bát phố này xem ra chả thơ mộng, chả lãng mạn chút nào. Và quả thật, anh trở về dang dở đời em thật vì em chẳng nỡ lòng nào bỏ rơi một người thương phế, mà nếu như em cứ tiếp tục yêu anh, cưới anh, sống chung với một thằng què thì cũng nặng gánh cho thân thể thanh xuân của em quá.

Với những ai không ưa giọng ca Thái Thanh, xin nghe một bản nhạc phản chiến khác. Lần này người lính không nhớ thương người yêu ở phố thị, nhưng thương nhớ mẹ già ở nông thôn. Qua giọng ca của Chế Linh, như sau:

Mẹ ơi, hoa mai hoa cúc nở rồi,
Đời con giờ đây đang còn lênh đênh.
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn,
Áo trận sờn vai bạc mầu,
Nhìn xuân về lòng buồn mênh mang.
Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về,
Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua.
Giờ đây tóc mẹ chắc bạc nhiều,
Sớm chiều vườn rau vườn cà,
Mẹ biết cậy nhờ vào tay ai . . . .


(Mẹ biết cậy nhờ vào tay ai? Cụm từ cậy nhờ trong dòng này cho người nghe thấy được cảnh mẹ già cô quạnh gieo neo ở nông thôn bên vườn tược như thế nào.)

Bản nhạc này mô tả tâm trạng của một người lính có lẽ đang đứng gác ở một tiền đồn trên cao nguyên hay đang hành quân ở trên đèo, có thể là đèo Hải Vân. Áo trận của anh lính này sờn vai bạc mầu mà chả có áo lính mới thay thế dù mùa xuân đang về nên cây cỏ cũng mặc xanh áo mới. (Có lẽ áo lính đang bày bán ngoài chợ trời cùng với những sản phẩm Quân Tiếp Vụ.) Và anh lính này hình như đã nhiều năm chưa hề được về phép thường niên để thăm mẹ già một lần nào! Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về, / Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua. Lời ca này có ý bôi nhọ ý nghĩa chiến đấu tự vệ để bảo những giá trị nhân bản của quân dân miền Nam: Anh đi quân dịch chiến đấu chống cộng sản phương Bắc xâm lăng sao lại rên là đời con giờ đây đang còn lênh đênh. Thấy sao giống như những ghe thuyền trên mặt biển Đông khi vượt biên tìm tự do (và tìm vàng) thế? Đây là một bản nhạc trong vô số bản nhạc ủy mị làm nản lòng chiến sĩ nhất.

Trích dẫn bản nhạc Kỷ Vật Cho Em và bản nhạc Mùa Xuân Của Mẹ, người viết không có ý cáo buộc hay lên án nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ không-biết-tên là thành phần phản chiến, mà chỉ muốn bày tỏ rằng cuộc chiến quê hương quá dài, quá tang thương khiến những những người viết ca khúc còn nặng lòng với đất nước, như Phạm Duy như Trịnh Công Sơn, không thể giả câm giả điếc giả mù trước thực trạng của quê hương. Và ngay cả người viết ca khúc không-biết-tên cũng đã có những lời ca mang tính phản chiến dù chưa chắc tác giả có ý thức như thế.

Chỉ có những bản hùng ca, chiến đấu ca là hoàn toàn không mang tính phản chiến mà thôi. Ngay cả những tình khúc của Ngô Thụy Miên, của Vũ Thành An, và của một số nhạc sĩ lải nhải tình yêu trai gái khác, ở một ý nghĩa nào đó, là phản chiến--Đó là thứ tư duy phản chiến vô ý thức, là thái độ ngoảnh mặt quay lưng lại với khói lửa bom đạn tang tóc. Đó là thứ nhạc núp vào mùng mền chăn chiếu đú đởn mặc ai ngoài tiền tuyến đang ngả gục để cho các anh chị yêu nhau xong và ngủ ngon.

Còn Trịnh Công Sơn phản chiến khi đêm đêm anh để tai lắng nghe tiếng đại bác pháo kích, tiếng bom dội vang tới chỗ anh nằm. Đó là những tiếng tiếng gầm rú của thần chết mà ngay cả một người phu quét đường cũng phải dừng chổi lắng nghe.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mắc một tội trọng là để con tim cực kỳ nhậy cảm của anh rung lên không kìm hãm lại. Đừng bắt nghệ sĩ kìm hãm nhịp đập trái tim của hắn. Làm thế là độc tài tư tưởng, là chuyên chính vô sản. Hãy biến mất khỏi mặt đất này hỡi những tên chính ủy hay những tên kiểm soát tư tưởng! Trịnh Công Sơn còn phạm một lỗi lầm nữa là viết nhiều và viết quá xúc động về cuộc chiến ấy, và về quê hương đổ nát tan hoang. Viết nhiều và viết hay khiến một số người không vui!

Sau biến cố lịch sử 30/04/1975, Trịnh Công Sơn chọn ở lại quê nhà. Anh, có lẽ vì quá vui mừng khi quê hương chấm dứt khòi lửa, đã hát Nối Vòng Tay Lớn mà nhiều người cho là một hành động thiếu công bằng. Nhưng thôi, chúng ta nên tôn trọng những mơ ước của anh, và không nên đòi hỏi một nghệ sĩ phải rạch ròi trắng đen về thái độ chính trị. Anh sống với đất nước, và có thể cái đất nước thống nhất nối vòng tay lớn không đẹp như anh mơ ước. Và anh đã chọn cho cho mình một niềm vui nhỏ. Chúng ta sống qua ngày nhờ những niềm vui nho nhỏ. Tôi thích bản nhạc Mỗi Ngày Tôi Chọ Một Niềm Vui:

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên,
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống,
Vì đất nước này cần một trái tim.


Tôi chọn ngồi thật yên. Một dòng thơ đậm đặc mùi Thiền mà chả cần vay mượn những thuật ngữ nặng mùi Thiền Tông. Đọc dòng này tôi hình dung được một thiền sư đang ngồi yên,nội soi cái tâm rỗng của mình, hoặc một tu sĩ dòng kín Trappist của Ki-tô giáo đang tĩnh tâm cầu nguyện giữa bốn vách tường câm lặng.

Đất nước cần một trái tim
Một trái tim như trái tim Trịnh Công Sơn.

Đất nước cần một trái tim.
Một người viết lên một câu này có thể đủ làm chứng cho chính mình về tấm lòng yêu quê hương đất nước như yêu xương thịt mình. Yêu quê hương như thế nào thì mỗi người tự biết. yêu cách nào cũng được, những hãy yêu quê hương hết mình. Đất nước cần một trái tim và nhiều cái đầu chưa bị máy tính hóa.

Hy vọng mỗi người Việt Nam biết nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình. Không cần thiết phải mỗi ngày. Chỉ cần thỉnh thoảng thôi.

Trịnh Công Sơn không còn sống với quê hương đất nước, miền đất mà anh đã yêu như người con gái Việt Nam da vàng đã yêu. Người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương nên yêu người yếu kém,/ Người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như thể yêu mình. Tìm đâu ra được nữa một người con gái Việt Nam biết xót xa thương đến những con người thấp bé yếu kém hơn mình? Tìm đâu ra được nữa một cô gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như thể yêu mình?

Trịnh Công Sơn đã xa đất về trời. Thượng Đế chắc chắn sẽ mở rộng vòng tay đón anh vào dự tiệc với Ngài. Trong bàn tiệc vĩnh hằng ấy có mặt nhiều nghệ sĩ sáng tạo lớn của nhân loại, và dĩ nhiên có mặt cả Văn Cao. Anh sẽ tay bắt mặt mừng với người nghệ sĩ tài hoa và đau khổ (có thể đau khổ hơn anh), là một người bạn khác thế hệ nhưng là tri âm của anh. Và hai nhạc sĩ tha hồ cụng ly trên cõi ấy.

Nghệ sĩ đích thực là những vị tông đồ chân truyền rao giảng yêu thương. Trịnh Công Sơn đã trọn suốt đời mình lên tiếng ca ngợi tình yêu. Nghệ sĩ chân chính còn là kẻ ngu dại tự nguyện mời thiên hạ. qua tác phẩm của mình, hết kẻ này đến kẻ khác, lần lượt hay cùng lúc cứ tha hồ ném đá vào mặt mỉnh. Anh đã âm thầm hứng chịu như thế. Có thể anh đã đau đớn khi phải hứng chịu những ngộ nhận, những cáo gian như những sợi dây thừng thắt cổ trái tim anh. Khi còn sống anh không không chọn một phản ứng nào. Anh để những dòng nhạc của anh trả lời. Và bây giờ thì anh không thèm trả lời. Vì thế, bài viết này không có ý và không dám bào chữa hay biện bạch, vì việc làm này có thể cần thiết cho một chính khách tại chức nhưng hoàn toàn không cần thiết cho một nghệ sĩ tạ thế.

Trịnh Công Sơn là một con người dạt dào tha thiết yêu thương, được/bị Thượng Đế trích giáng, bị đày đọa xuống thế gian vào một thời đại tan nát trên một vùng đất mịt mù khói lửa. Và làm chứng nhân cho một cuộc chiến khốc liệt và phi lý suốt hai mươi năm. Kẻ nhân chứng bị lên án, bị ngộ nhận, bị cáo gian về những ưu tư khắc khoải mà con tim anh phải bật lên những tiếng kêu trầm thống về khổ nạn diễn ra trên quê hương.

Kết thúc bài này, tôi mượn lời bạt của Văn Cao viết trong Tuyển Tập Không Năm Tháng của Trịnh Công Sơn: " . . . Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả một tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui, và đau tận cùng những nỗi đau của tổ quốc, mẹ hiền."

Hoàng Thủy Biển.

(Bài này viết vào năm 2001, sau khi nghe tin nhạc sĩ TCS qua đời, như một nén nhang. Nay đăng lại xem như một lần viếng thăm mộ nhạc sĩ. HTB.)


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI